Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh thứ 2 thế giới
(Dân trí) - Đó là thông tin được ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam đưa ra trong hội thảo "Sức hút đô thị biển" diễn ra tại TPHCM hôm nay.
Nhà giàu thích đi du lịch
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, mục tiêu 2030 và tầm nhìn 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh. Trong đó, GDP của kinh tế thuần biển chiếm 20 - 22% tổng GDP cả nước.
Đóng góp các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm 98% kinh tế biển, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, dịch vụ cảng biển và một phần là du lịch.
“Cơ sở để chúng ta có niềm tin tăng trưởng là sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu. Tầng lớp này có khả năng đuổi kịp các nước mới công nghiệp hóa. Cụ thể, Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh thứ 2 thế giới trong thập kỷ qua”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, với lợi thế đặc biệt của một quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Từ kinh tế biển, phát triển đô thị biển cũng là một xu hướng và Việt Nam có nhiều lợi thế.
Hiện nay, quy mô nền kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 47-48% GDP cả nước và theo mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ chiếm 65-70% GDP cả nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt du khách quốc tế và khoảng 85 triệu lượt khách nội địa; du lịch đóng góp khoảng 4 triệu việc làm và 32,8 tỷ USD cho nền kinh tế quốc dân, tương đương 9,2% GDP.
Lý giải vì sao nhu cầu đầu tư ngôi nhà thứ hai (second home) tăng lên, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu trong giai đoạn 2012 – 2017. Forbes dự kiến tốc độ tăng trưởng trong giới siêu giàu tại Việt Nam vào năm 2026 là 170%.
Theo đó, số lượng người có nhu cầu đi nghỉ dưỡng ra ngoài thành phố vào cuối tuần tăng lên, đặc biệt là nhờ vào hệ thống đường sá, cao tốc mà có thể di chuyển dễ dàng và thuận lợi hơn. Ngoài việc nghỉ dưỡng, ngôi nhà thứ hai còn là một kênh đầu tư hiệu quả cho dòng tiền nhàn rỗi.
Ông Tuấn cho rằng, dân số già cũng là một cơ hội. Bởi dân số già hóa với sức khỏe, an sinh và năng động cả về kinh tế và xã hội có thể có những đóng góp không ngừng cho xã hội. Du lịch chăm sóc sức khỏe cho người già và du lịch hưu trí sẽ có cơ hội phát triển.
Lấy ví dụ minh họa về vấn đề này là khu vực Phan Thiết - Bình Thuận. Bởi nơi đây sở hữu vị trí thuận lợi, nằm ở vùng lõi của Cụm ngành Du lịch phát triển bậc nhất Việt Nam cùng với TPHCM, Đà Lạt, Nha Trang và Vũng Tàu.
Hơn nữa, tài nguyên tự nhiên như biển xanh, cát trắng, nắng vàng chan hòa quanh năm, hội tụ đủ điều kiện thiên nhiên để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của du khách. Chưa kể, hệ thống hạ tầng như các tuyến cao tốc và sân bay đang tạo động lực phát triển cho khu vực này.
“Cách đây 15 năm, khi du lịch Đà Nẵng còn chưa phát triển, du lịch Đà Lạt và Nha Trang chỉ mới chớm nở thì Bình Thuận đã được mệnh danh là thủ đô resort với khoảng 80 khu nghỉ dưỡng”, ông Tuấn cho biết.
Cần "sếu đầu đàn" phát triển đô thị biển
Ông Tuấn rất bức xúc về việc nhiều doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực không đủ mạnh nhưng cũng muốn tham gia vào thị trường đã khiến hoang phí nguồn tài nguyên.
Theo ông, cần phải có những doanh nghiệp lớn, nghĩ lớn, làm lớn để trở thành “con sếu đầu đàn” dẫn dắt trong phân khúc này. Không thể để phát triển một cách tràn lan, đầu tư theo phong trào được.
Để thị trường phát triển bền vững, ông Tuấn cho rằng, cần có một số ưu tiên về chính sách của Nhà nước như thúc đẩy công nghiệp hóa “không khói”. Phát triển đô thị hóa cần có trọng tâm và cần có chiến lược đối với già hóa dân số.
Đồng thời, cũng cần phải sớm hoàn thiện các chính sách về quy hoạch, đất đai, sở hữu tài sản, pháp lý… và không ngừng thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực.
“Cần sớm triển khai nhanh hệ thống cao tốc Bắc - Nam và cao tốc liên kết các Vùng kinh tế trọng điểm. Sớm khởi công sân bay quốc tế Long Thành, hạ tầng viễn thông, 5G, điện, nước…”, ông Tuấn nhấn mạnh.