Vì sao Nhật Bản có nhiều công ty lâu đời nhất thế giới?

Minh Hương

(Dân trí) - Việc thu nạp thêm các thành viên mới vào doanh nghiệp gia đình và truyền sản nghiệp cho một người thừa kế duy nhất giúp nhiều công ty Nhật Bản đứng vững trong hàng thế kỷ.

Khách sạn lâu đời nhất thế giới theo kỷ lục Guinness Thế giới là Nisiyama Onsen Keiunkan, một khách sạn suối nước nóng tại Yamanashi, thành lập từ năm 705. Khách sạn lâu đời thứ hai trên thế giới cũng là một khách sạn suối nước nóng tại Nhật Bản, nhà trọ truyền thống Hoshi, thành lập năm 718.

Không chỉ trong ngành kinh doanh dịch vụ khách sạn và suối nước nóng, Nhật Bản cũng là quốc gia có nhiều công ty lâu đời nhất thế giới trong các lĩnh vực khác. Hãng ủ rượu sake lâu đời nhất thế giới Sudo Honke thành lập từ năm 1141. Trước khi sáp nhập vào một công ty con năm 2006, doanh nghiệp gia đình lâu đời nhất thế giới Kongo Gumi đã hoạt động trong 14 thế kỷ.

Vì sao Nhật Bản có nhiều công ty lâu đời nhất thế giới? - 1

Khách sạn lâu đời nhất thế giới Nisiyama Onsen Keiunkan là một doanh nghiệp gia đình Nhật Bản. Ảnh: Livejapan

Nếu như Công ty Yamanashi sản xuất trang phục cho các nhà sư và đồ dùng bàn thờ Phật từ năm 1024 thì doanh nghiệp bánh mứt kẹo lâu đời nhất Nhật Bản Ichimojiya Wasuke thành lập năm 1000. Lâu năm hơn thế, công ty xây dựng đền chùa Nakamura Shaji hoạt động từ năm 970 và công ty sản xuất hàng hóa liên quan tới đạo Phật Tanaka Iga có mặt từ năm 885.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến Nhật Bản có nhiều doanh nghiệp lâu năm là vì đây là quốc gia có lịch sử lâu dài với nền kinh tế phát triển từ sớm. Nhiều công ty lâu đời nhất Nhật Bản là các doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp địa phương, bao gồm các cơ sở ủ rượu sake và các nhà trọ truyền thống ryokan. Theo ghi nhận từ lịch sử, các nhà trọ này xuất hiện từ thế kỷ 8 để làm chỗ trọ cho các thương nhân trên tuyến đường từ Tokyo tới Kyoto, và duy trì hoạt động cho đến tận ngày nay.

Phân tích của giáo sư kinh tế Nhật Bản tại Đại học Columbia, David Weinstein, cho thấy lịch sử tính bằng thế kỷ của các công ty Nhật có nền tảng từ quá trình truyền thừa sản nghiệp gia đình cho con trưởng nối dõi. Một luật bất thành văn trong xã hội Nhật Bản trong hàng chục thế kỷ qua là con trai trưởng mặc nhiên được coi là người thừa kế toàn bộ gia sản gia đình, nên các công ty Nhật Bản có thể được chuyển tiếp hoàn toàn cho một thành viên trong gia đình.

Dù giờ đây, truyền thống truyền sản nghiệp cho con trưởng phai nhạt dần trong thế kỷ 20, chủ các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn giữ thói quen truyền sản nghiệp cho một thành viên duy nhất trong gia đình. Người đứng đầu công ty có thể nhận nuôi người phù hợp để điều hành và truyền lại công ty.

Việc thu nạp thêm các thành viên mới vào các doanh nghiệp gia đình giúp các công ty lâu đời tại Nhật Bản tiếp tục tồn tại và phát triển. Những người được nhận nuôi này đôi khi còn kết hôn với con gái của chủ công ty.

Năm 2011, hơn 90% trong số 81.000 người được nhận nuôi tại Nhật Bản là người trưởng thành. Các công ty được điều hành bởi người thừa kế là con nuôi có số lượng nhiều và hoạt động kinh doanh tốt hơn các công ty do người thừa kế có quan hệ huyết thống với các thế hệ lãnh đạo đời trước. Thế nhưng, các công ty gia đình hoạt động tốt hơn các công ty bình thường, khiến việc lựa chọn thành viên trong gia đình (con ruột hoặc con nuôi) vẫn phổ biến trong xã hội nước Nhật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm