1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

“Vệ tinh” quan trọng của Hà Nội: Thái Nguyên trở thành điểm sáng phía Bắc

(Dân trí) - Với tốc độ phát triển và bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, Thái Nguyên hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị năng động và hiện đại, trở thành khu đô thị vệ tinh quan trọng của thủ đô Hà Nội.

“Vệ tinh” quan trọng của Hà Nội: Thái Nguyên trở thành điểm sáng phía Bắc - 1

Hà Nội “quá tải” và nhu cầu hình thành lên các khu đô thị vệ tinh

Mặc dù Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số tăng khoảng từ 7,3 - 7,9 triệu người nhưng đến năm 2017, theo một báo cáo, dân số Hà Nội ước tính đã trên 9,6 triệu người (lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030). Với tốc độ tăng trung bình 3%/năm thì đến năm 2020 dân số ước tính sẽ là 10.489.772 người (gần bằng dân số dự báo đến năm 2050), vượt quá xa so với dự kiến.

Nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị chỉ ra rằng, với quy mô này, Hà Nội đang sắp đạt đến ngưỡng của một megacity (siêu đô thị). Song điều đáng nói, quá trình tăng dân số không tỷ lệ thuận với sự cung ứng hạ tầng và quản lý đô thị khiến cho việc giải quyết tình trạng bế tắc, quá tải của hệ thống giao thông mặt đất ngày càng nan giải.

Để giải quyết tình trạng này, tất yếu phải hình thành một mạng lưới đô thị vệ tinh. Ví dụ, các đô thị vệ tinh của Hà Nội có thể là: Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương và Vĩnh Yên hay Thái Nguyên. Việc phát triển chùm đô thị vệ tinh không chỉ nhằm thu hút nguồn lực phát triển mà còn thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh, giải bài toán quá tải cho khu vực đô thị trung tâm.

Trên thế giới không thiếu những đô thị lớn phát triển với mô hình đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh xung quanh. Ví dụ như người Hà Lan, một trong niềm tự hào của họ khi nói về đô thị là: "thà có thêm nhiều thị trấn (con) còn hơn là để thành phố (mẹ) bùng nổ".

Hay như tại Nhật Bản, ngay từ năm 1956, nước này công bố Luật Xây dựng vùng thủ đô, nhấn mạnh phát triển đô thị vệ tinh với quy mô lớn cách Tokyo 100km. Giữa thập kỷ 50 của thế kỷ XX, Liên Xô cũng đẩy mạnh xây dựng hệ thống đô thị vệ tinh quanh thủ đô Mát-xcơ-va để khống chế dân số thành phố.

Tương tự như vậy, để hạn chế tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường…, Chính phủ Pháp đã xây dựng một số đô thị vệ tinh quanh thủ đô Paris với 5 thành phố xây dựng quanh Paris được phát triển mạnh giao thông công cộng như tàu điện ngầm, metro, tàu mặt đất… kết nối khu trung tâm. Một kinh nghiệm khác trong xây dựng đô thị vệ tinh đó là Thượng Hải (Trung Quốc) – nơi đây đã xây dựng được một phố Đông trở thành trung tâm tài chính của thế giới hay thành phố vệ tinh Incheon của Seoul (Hàn Quốc)…

Điều này thể hiện một ý thức khá rõ về hậu quả của tình trạng đô thị siêu lớn và ý nghĩa của việc hình thành nên đô thị vệ tinh xung quanh với chất lượng sống, dịch vụ, hạ tầng đến ngang tầm thành phố mẹ. Người dân đến sống tại các thị trấn mới được hưởng các ưu đãi về nhà ở, giáo dục, y tế cũng như cơ hội việc làm, khởi nghiệp…

Thái Nguyên trở thành điểm sáng phía Bắc

Hiện tại Thái Nguyên đang được đánh giá hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị năng động và hiện đại, trở thành khu đô thị vệ tinh quan trọng của thủ đô Hà Nội.

Thái Nguyên được định hướng trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, trung tâm kinh tế của vùng trung du miền núi phía Bắc; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân trong thời kỳ khoảng 10% đến 10,5%; GRDP bình quân đầu người năm 2025 khoảng 150 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực công nghiệp, dịch vụ chiếm khoảng 90% vào năm 2030.

Cùng với đó, tỉnh cũng định hướng về phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có đường Vành đai V vùng thủ đô Hà Nội kết nối giữa tỉnh Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc để tạo động lực phát triển cho giai đoạn tới. Định hướng đầu tư khu công nghiệp công nghệ thông tin để tận dụng cơ hội phát triển công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử gắn với dự án Samsung.

Với lợi thế có sẵn, Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh hạ tầng và cải cách hành chính để thu hút vốn đầu tư FDI từ nước ngoài. Đặc biệt Tỉnh Thái Nguyên đang hoàn thiện đại lộ Đông – Tây, còn gọi là đường vành đai năm vùng Thủ đô Hà Nội, nối từ huyện Phú Bình sang thị xã Phổ Yên tại nút giao Yên Bình nhằm giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương rất lớn của nhân dân, tăng cường thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Khu công nghiệp – Nông nghiệp công nghệ cao – Đô thị và Dịch vụ Yên Bình, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa khu vực phía tây nam của tỉnh.

Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2020, tuyến đường sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi từ Bắc Giang, Bắc Ninh đến Thái Nguyên, từ Thái Nguyên đến Hà Nội, giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa rất lớn giữa huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên, giảm tải cho Quốc lộ 37, đặc biệt là tuyến từ ngã tư Điềm Thuỵ sang thành phố Sông Công hiện nay nhỏ hẹp, thường xuyên ắch tắc và tai nạn giao thông.

Mặt khác, đại lộ Đông – Tây mở ra cơ hội thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Khu Công nghiệp – Nông nghiệp công nghệ cao – Đô thị và Dịch vụ Yên Bình rộng hơn tám nghìn ha, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình.

Trên thực thế, hiện Thái Nguyên đã có 131 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 7,29 tỷ USD của 9 quốc gia, trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đặc biệt là năm 2013 khi Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) triển khai dự án đầu tư Tổ hợp công nghệ cao Samsung chuyên sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Khu công nghiệp Yên Bình (thị xã Phổ Yên) đã đưa Thái Nguyên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 22 dự án cấp mới, tổng vốn trên 3,4 tỷ USD.

Nhờ “hiệu ứng” thu hút đầu tư từ tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm phụ trợ cho Samsung, trong giai đoạn từ 2012 đến 2017, thu hút đầu tư FDI ở Thái Nguyên đã tăng gấp 6 lần về số lượng và tăng xấp xỉ 70 lần về vốn đầu tư so với cả giai đoạn 1993 – 2012…

Cùng với đó, trong những năm vừa qua, môi trường đầu tư kinh doanh tại Thái Nguyên được cải thiện rõ rệt, góp phần lan tỏa các chính sách nhà nước, tăng cường sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn kinh tế lớn và cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời, huy động các nguồn vốn cho hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp trọng điểm như: Điềm Thụy, Yên Bình, Nam Phổ Yên.