Vệ tinh bằng gỗ: Nỗ lực giảm thiểu rác thải không gian của Nhật Bản
(Dân trí) - Nhật Bản tạo ra vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới, có thể đốt cháy hoàn toàn khi tái nhập cảnh để loại bỏ rác không gian.
Nhật Bản có thể sẽ sớm tiến hành sản xuất vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới. Những vệ tinh này sẽ bốc cháy hoàn toàn khi chúng quay trở lại trái đất mà không giải phóng các chất độc hại vào khí quyển. Đây được xem là một trong một nỗ lực giảm thiểu rác thải không gian của Nhật Bản.
Sumitomo Forestry, một công ty chế biến gỗ có trụ sở tại Nhật Bản, cho biết đã bắt đầu nghiên cứu về một loại vật liệu gỗ lý tưởng phù hợp với không gian. Công ty này sẽ thực hiện nghiên cứu hợp tác với Đại học Kyoto để thử nghiệm vật liệu này trong môi trường khắc nghiệt trên trái đất. Sumitomo Forestry thông báo rằng vệ tinh gỗ có thể sẵn sàng vào năm 2023.
Trích lời của BBC, Taka Doi, một phi hành gia và giáo sư tại Đại học Kyoto cho biết giới chuyên gia Nhật Bản rất lo ngại về thực tế là tất cả các vệ tinh đi vào lại bầu khí quyển của Trái đất sẽ cháy và tạo ra các hạt alumin nhỏ, và đánh giá chúng "vô cùng độc hại, sẽ bay lơ lửng trên bầu khí quyển nhiều năm".
Rác không gian, còn được gọi là ô nhiễm không gian, bao gồm các vật thể do con người tạo ra trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ không gian như các mảnh tàu vũ trụ, các mảng sơn nhỏ từ tàu, các bộ phận của tên lửa, vệ tinh không còn hoạt động hoặc mảnh vỡ từ vụ nổ của các vật thể bay trên không gian tại tốc độ cao, theo NASA.
Tính đến tháng 10/ 2019, mạng lưới giám sát không gian của Hoa Kỳ đã báo cáo gần 20.000 vật thể nhân tạo trên quỹ đạo phía trên Trái đất, trong đó có 2.218 vệ tinh đang hoạt động.
Các chuyên gia đã cảnh báo rằng việc tăng số lượng vệ tinh trong không gian đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ tất cả các quốc gia để kiểm soát vấn đề rác không gian. Đặc biệt đối với một số công ty như SpaceX và Amazon có kế hoạch phóng hàng nghìn vệ tinh để đạt được phạm vi phủ sóng internet vệ tinh toàn cầu.
Vào tháng 10 năm nay, hai mảnh rác lớn suýt va chạm vào nhau. Theo National Geographic, hai vật thể này là một vệ tinh dẫn đường không còn tồn tại của Nga được phóng vào năm 1989 và một bộ phận tên lửa đã qua sử dụng của Trung Quốc từ vụ phóng năm 2009. Nếu chúng va chạm, vụ nổ sẽ tạo ra một đám mây các mảnh vụn gây nguy hiểm cho các vệ tinh và tàu vũ trụ khác nhiều thập kỷ.