Tuyến phố "hốt bạc" bậc nhất Hà Nội ế sưng vì khách lần lượt "dứt áo ra đi"

Thế Hưng

(Dân trí) - Nguyên do vì vị trí đắc địa của phố Huế kéo theo giá thuê cũng cao chót vót, nhiều người phải "dứt áo ra đi" khi không trụ nổi sự ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19.

Năm 2020 là năm khó khăn với dân kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người phải trả mặt bằng tại các con phố lớn nhất nhì Hà Nội dù đang làm ăn ổn định. 

Dù không muốn, nhưng vợ chồng anh B (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn phải trả lại mặt bằng trên phố Huế từ nửa năm nay. Dù trước đó, vợ chồng anh đã kinh doanh thuận lợi ở con phố này nhiều năm. 

Nguyên do phải trả lại là vì vị trí đắc địa của phố Huế nên giá thuê cũng cao tương đương. Khi mọi hoạt động bị ảnh hưởng nặng nề do dịch thì hàng hóa không tiêu thụ được, tiền nhà lại chỉ được giảm một chút nên dù đã cố gồng gánh vài tháng, nhưng vợ chồng anh B quyết định trả lại mặt bằng. 

"Phố Huế có lượng người qua lại hàng ngày rất đông, nên việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn. Nhưng nếu tháng nào cũng mất 70 triệu tiền mặt bằng, trong khi hàng hóa lưu thông cực chậm vì Covid thì tôi không trụ nổi" - anh B chia sẻ.

Tuyến phố hốt bạc bậc nhất Hà Nội ế sưng vì khách lần lượt dứt áo ra đi - 1

Phố Huế đang có nhiều mặt bằng trống chưa có người thuê

Tuyến phố hốt bạc bậc nhất Hà Nội ế sưng vì khách lần lượt dứt áo ra đi - 2

Lý do là bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nhà lại cao hơn khả năng chi trả của nhiều người

Không ít chủ cửa hàng cũng đành "dứt áo ra đi" khỏi con phố sầm uất bậc nhất Hà thành với cùng lý do như anh B. Bởi giá nhà cao, nhưng không phải chủ nhà nào tại cũng đây chấp nhận giảm tiền hoặc hỗ trợ người thuê. 

Thậm chí có những căn nhà trên phố Huế dù "ế" khách từ tháng 3/2020 đến bây giờ, nhưng vẫn "hét" giá thuê 70 - 80 triệu đồng/tháng.

Tuyến phố hốt bạc bậc nhất Hà Nội ế sưng vì khách lần lượt dứt áo ra đi - 3

Nhiều nhà trên phố đã bỏ không nhiều tháng

Theo một người dân sống gần căn nhà này, chủ nhà đòi giá quá cao nên khách cứ đến xem rồi lại ra về. Vị trí đẹp nhưng rất nhiều khách không chịu nổi vì giá thuê quá cao, lên tới 70 triệu đồng, trong khi căn nhà sát cạnh đẹp và rộng hơn lại chỉ cho thuê với giá 50 triệu đồng/tháng. 

"Căn nhà có giá 50 triệu đồng/tháng chỉ đăng buổi sáng cho thuê là chiều đã có người tới ký hợp đồng. Còn căn nhà 70 triệu đồng/tháng thì 8 - 9 tháng nay vẫn cửa đóng then cài do không giảm giá thuê cho ai" - người này cho hay.

Tuyến phố hốt bạc bậc nhất Hà Nội ế sưng vì khách lần lượt dứt áo ra đi - 4

Tính ra, số tiền lỗ khi bỏ không mặt bằng lên tới vài trăm triệu

Đi dọc phố Huế thời điểm này, dễ bắt gặp cả chục cửa hàng cửa đóng im lìm nằm chờ khách. Đây là một điều lạ với ngay cả những người sinh sống và làm việc ở con phố này lâu năm. Bởi phố Huế có lưu lượng người qua lại hàng ngày rất đông, đây là nơi tập trung vui chơi của nhiều người dân Hà Nội. Do đó, việc kinh doanh ở đây trước kia luôn sầm uất và việc có mặt bằng trống là rất hy hữu. 

Khảo sát nhanh những người sống quanh các mặt bằng đang chờ thuê thì được biết, có nơi đã bỏ không 3 - 4 tháng, thậm chí có nhà đã trống khách thuê nửa năm cho tới gần 1 năm nay. 

Song, khi gọi thẳng tới cho chủ nhà thì đều nhận được là câu trả lời giống nhau rằng, nhà cho con hoặc cháu thuê kinh doanh, nhưng có việc nên vừa thu lại để... cho thuê. 

Theo tìm hiểu của PV, dạng nhà 12 - 25m2 tại phố Huế đang còn nhiều căn trống chưa có khách thuê kinh doanh. Giá của các mặt bằng này dao động từ 11 - 15 triệu đồng/tháng. Với những căn có diện tích 25m2, phía sau sẽ có cả nhà vệ sinh khép kín, còn căn có diện tích nhỏ hơn thì không.

Tuyến phố hốt bạc bậc nhất Hà Nội ế sưng vì khách lần lượt dứt áo ra đi - 5

Mặt bằng nhỏ có giá dao động 11 - 15 triệu đồng/tháng.

Tham khảo giá thì một số chủ nhà cho biết, giá thuê trước đây với dạng nhà này cũng đã khoảng 1.000 USD/tháng (tương đương 23 triệu đồng), nhưng nay giảm còn 14 triệu đồng để hỗ trợ khách.

Một người dân sống tại phố Huế chia sẻ, năm nay có nhiều người trả mặt bằng trên con phố này, nhất là các cửa hàng nhỏ và vừa. Bởi tiền tồn đọng ở hàng quá nhiều, lại phải gánh thêm chi phí mặt bằng nên họ phải tính phương án khác. 

"Giảm giá thuê thường chỉ thấy ở các cửa hàng to có giá thuê 40 - 70 triệu đồng/tháng. Các cửa hàng này có thể được chủ nhà giảm 10 - 20 triệu đồng/tháng để hỗ trợ" - người này cho hay.

Dù dịch bệnh đã được kiểm soát, song ảnh hưởng của nó tới kinh tế vẫn còn rất lớn. Nếu không có phương án thay đổi phù hợp thì không chỉ người kinh doanh mà người có nhà cho thuê cũng thiệt hại đáng kể.

Bởi với những mặt bằng có giá trị 50 - 70 triệu đồng/tháng, chỉ "ế" nửa năm cũng đã mất không 300 - 420 triệu đồng.

Tuyến phố hốt bạc bậc nhất Hà Nội ế sưng vì khách lần lượt dứt áo ra đi - 6

Mặt bằng lớn có giá thuê 50 - 70 triệu đồng/tháng.

Theo nhận định của ông Troy Griffiths - Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, gần như ngay lập tức Covid-19 đã tác động trực diện lên thị trường cho thuê nhà phố. Các khách thuê là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị mất doanh thu đột ngột hơn là các nhà bán lẻ quy mô lớn. Đại dịch đã buộc họ phải thay đổi chiến lược kinh doanh.

Cũng theo vị này, nhiều chuỗi F&B và chuỗi cửa hàng thời trang phải đóng cửa những chi nhánh hay địa điểm có doanh thu kém, làm tăng diện tích trống chung của cả thị trường.

Tuyến phố hốt bạc bậc nhất Hà Nội ế sưng vì khách lần lượt dứt áo ra đi - 7

Người thuê muốn mức chiết khấu cao hơn

Đặc biệt, ông Troy Griffiths cho biết, các địa điểm bán lẻ phụ thuộc vào khách du lịch ở khu trung tâm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc giãn cách xã hội và việc hạn chế đi lại du lịch. Kể từ đầu tháng Hai, nhiều nhà bán lẻ đã không gia hạn hợp đồng thuê.

"Những người muốn giữ lại các vị trí đắc địa sau đại dịch phải tạm thời đóng cửa hoặc tìm cách giảm giá thuê. Khảo sát gần đây của Savills cho thấy khách thuê mong muốn chiết khấu lên đến 40% so với mức 20% tối đa được đưa ra" - ông Troy Griffiths nói.