“Trùm” xây dựng toà tháp cao nhất Việt Nam bất ngờ gặp khó

(Dân trí) - Mặc dù vẫn đạt mức lợi nhuận hơn 1.510 tỷ đồng trong năm 2018, vượt kế hoạch đặt ra, song con số này của “trùm” xây dựng Coteccons đã giảm khá mạnh so với năm trước đó. Biên lợi nhuận gộp về mức thấp nhất lịch sử Coteccons kể từ khi niêm yết, được cho là đến từ nhiều nguyên nhân.

Sau khi phục hồi trong phiên đầu tuần 21/1 thì cổ phiếu CTD của Công ty CP Xây dựng Coteccons tiếp tục quay lại với tình trạng giảm giá sâu, sụt tới 6.400 đồng tương ứng 4,28% xuống còn 143.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, mã này từng có chuỗi giảm 6 phiên liên tục từ ngày 11/1 đến ngày 18/1. Ở mức giá hiện tại. CTD đã đánh mất gần 10% giá trị trong vòng 1 tháng giao dịch vừa qua và sụt giảm hơn 28% so với 1 năm trước.

CTD.jpg

Coteccons là tổng thầu xây dựng Landmark 81 - toà tháp cao nhất Việt Nam và là một trong 10 toà tháp cao nhất thế giới

Cổ phiếu CTD diễn biến tiêu cực sau khi Coteccons công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV với kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Mặc dù doanh thu quý này của “ông trùm xây dựng” vẫn đạt tới 7.824 tỷ đồng nhưng đã giảm mạnh gần 13% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp giảm 29% còn 408,8 tỷ đồng.

Sau khi đã khấu trừ các chi phí, lãi sau thuế của Coteccons còn 318,8 tỷ đồng, giảm gần 31% so với cùng kỳ.

Luỹ kế cả năm 2018, công ty này đạt 28.561 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 5% so với năm 2017, tuy nhiên, lợi nhuận gộp lại chỉ đạt 1.833 tỷ đồng, đưa tỷ lệ lãi gộp về mức thấp nhất lịch sử Coteccons kể từ khi niêm yết (6,4%).

Theo nhận định của công ty chứng khoán TPHCM (HSC), sự sụt giảm biên lợi nhuận gộp của Coteccons là do cơ cấu doanh thu kém hiệu quả hơn và chi phí nguyên liệu tăng. Hơn nữa, việc một vài khách hàng trọng điểm có giá trị hợp đồng chiếm tỷ trọng khá lớn trong các dự án của công ty và ngày càng gia tăng ưu thế đàm phán đã khiến Coteccons khó có thể có được các hợp đồng mới với điều khoản tốt hơn.

Bên cạnh đó, rào cản gia nhập ngành xây dựng tại Việt Nam cũng không cao và điều này khiến số lượng đối thủ cạnh tranh nhỏ tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, gây áp lực lớn hơn đối với tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn ngành và điều này sẽ không sớm được cải thiện.

Dù vậy, kết lại năm 2018, Coteccons vẫn đạt được mức lãi sau thuế 1.510,4 tỷ đồng, giảm 8,6% so với năm trước, vẫn vượt kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm 8%.

Phiên chiều 23/1, các chỉ số bất ngờ chuyển xấu. VN-Index đóng cửa phiên 23/1 tại mức thấp nhất phiên, ghi nhận mất 4,5 điểm tương ứng 0,49% còn 906,55 điểm. HNX-Index cũng mất 0,83 điểm tương ứng 0,8% còn 102,54 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên giảm giá. Toàn thị trường có 321 mã giảm, 38 mã giảm sàn trong khi chỉ có 252 mã tăng và 38 mã tăng trần.

Thanh khoản vẫn cầm chừng với 152,16 triệu cổ phiếu giao dịch trên HSX tương ứng 2.693,2 tỷ đồng và 25,38 triệu cổ phiếu tương ứng 293,29 tỷ đồng trên HNX. Có tổng cộng 844 mã cổ phiếu không hề diễn ra giao dịch nào trong phiên.

CTG phiên này vẫn tiếp tục có thanh khoản tốt, khớp lệnh đạt trên 9,1 triệu cổ phiếu trong phiên. Tuy nhiên, mã được giao dịch mạnh nhất lại là FLC với xấp xỉ 11 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.

Một số mã khác cũng có thanh khoản nổi trội là ITA, MBB, OGC, SHB, ART, PVD, ROS. Tuy nhiên, diễn biến giá tại những mã này lại trái chiều. Cụ thể, ITA giảm sàn trong khi ART tăng trần, CTG, STB, PVD, OGC tăng giá như FLC, MBB, SHB, ROS lại giảm.

Khá bất ngờ là trong phiên này, HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) lại là một trong những mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số chính. Mã này tăng trần và đóng góp cho VN-Index 0,2 điểm.

Ngoài ra, EIB, HDB, CTG, POW, VNM… cũng là những mã có tác động tích cực lên chỉ số. Chiều ngược lại, loạt “ông lớn” như VHM, PLX, VCB, TCB, GAS, BVH… lại sụt giá.

BVSC đánh giá, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục có biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen trong những phiên còn lại của tuần. Thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hoá mạnh ở các dòng cổ phiếu và dòng tiền có thể hoạt động tích cực hơn ở nhóm bluechips trong rổ VN30.

Bên cạnh đó, cổ phiếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, dệt may, thuỷ sản, thuỷ điện vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của dòng tiền khi nhóm này điều chỉnh trong các phiên tới.

Mai Chi

bannerchanbai-1547856639383.gif