Thị trường bất động sản vốn ảm đạm, lại hứng thêm "cú sốc" ngay đầu năm

(Dân trí) - Thị trường ảm đạm, doanh nghiệp bất động sản “khiếp vía” corona; Sau cú vỡ trận lãi suất, Condotel lại “hứng" thêm đòn đau từ virus corona... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Thị trường bất động sản vốn ảm đạm, lại hứng thêm cú sốc ngay đầu năm - 1
Hình minh hoạ.

Thị trường ảm đạm, doanh nghiệp bất động sản “khiếp vía” corona

“Ảm đạm" là diễn biến chung của nhiều ngành kinh tế hiện nay, trong đó có bất động sản . Trước diễn biến tình hình dịch Corona, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phải tăng tốc để chuẩn bị cho loạt kế hoạch mới, ứng phó với bối cảnh mới.

Nói với Dân trí, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ cho biết, cuối năm 2019 doanh nghiệp đã xây dựng phương án kế hoạch đến hết 2020. “Nhưng đùng một cái ra Tết dịch corona bùng phát, mọi kế hoạch của chúng tôi phải thay đổi", ông Toản chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land (TP.HCM) cho biết, tâm lý khách hàng trong thời điểm này sẽ e ngại đám đông và hạn chế tiếp xúc người lạ nên các doanh nghiệp chỉ còn cách chủ động thay đổi phương pháp tiếp cận và bán hàng.

Sau cú vỡ trận lãi suất, Condotel lại “hứng" thêm đòn đau từ virus corona

Một số chuyên gia nghiên cứu chứng khoán cho biết cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản bị ảnh hưởng do nhu cầu thuê bất động sản du lịch và condotel đặc biệt khu vực Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận – Ninh Thuận, Hạ Long... có thể không khả quan. Đặc biệt trong dài hạn nếu dịch bệnh lây lan sang Việt Nam.

Thị trường bất động sản vốn ảm đạm, lại hứng thêm cú sốc ngay đầu năm - 2
2020 được nhận định sẽ là một năm tiếp tục "buồn" với thị trường Condotel. Ảnh minh hoạ.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho biết, lượng khách Trung Quốc giảm, từ đó khiến mục tiêu năm 2020 của ngành du lịch trở nên khó đạt được.

“Lợi thế của ngành bất động sản nghỉ dưỡng là tiềm năng du lịch của Việt Nam và tốc độ gia tăng khách du lịch đều đặn qua các năm. Nhưng giờ dịch bệnh thế này, thị trường sẽ gặp khó”, ông Đính nhận định.

Năm mới chưa mở hàng, cò nhà đất đã nghỉ phép vô thời hạn

Thời điểm sau Tết, các sàn và văn phòng môi giới thường có xu hướng làm muộn hơn so với các ngành khác. Tuy nhiên, năm nay bị ảnh hưởng của dịch corona , nhân viên môi giới nhà đất lại kéo dài thêm kỳ nghỉ. Anh Đỗ Thanh Tùng, một môi giới nhà đất dự án ở Nguyễn Xiển (Hà Nội), cho hay, sau mùng 10 tháng Giêng (âm lịch) anh lên Hà Nội để chuẩn bị đi làm thì nhận được lệnh của sếp: “Tiếp tục nghỉ, bao giờ đi làm thông báo sau”.

Hơn 30 tuổi, gắn bó chục năm với nghề, anh Tùng cảm thấy buồn khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp tới bất động sản nhưng những người làm nghề môi giới như anh cũng gặp rắc rối.

Theo anh Tùng, vấn đề dịch bệnh lây nhiễm khiến cho người dân lo lắng. Họ không còn tâm trí nhiều cho bất động sản, cộng với thời điểm sau Tết khiến cho thị trường đã ảm đạm lại càng thê thảm hơn. “Mình gọi điện mời cà phê hỏi thăm chúc Tết đầu năm mà khách hàng đã từ chối ầm ầm. Ai cũng lo dịch bệnh”, anh Tùng cho biết.

Dân chung cư nháo nhác vì virus corona, sợ thang máy như “ngáo ộp"

Một trong những nơi được cho rằng có tiềm ẩn nguy cơ lây truyền virus rất lớn đó là thang máy. Các chuyên gia cho biết, thang máy là không gian công cộng, nơi có số lượng lớn người tiếp xúc với các nút bấm.

Sau khi thông tin này được đưa ra, nhiều cư dân sống tại các chung cư cảm thấy khá lo lắng. Một số ban quản lý tìm mọi cách hạn chế lây truyền dịch bằng các biện pháp như đặt dung dịch rửa tay ngay tại khu vực thang máy…

Thị trường bất động sản vốn ảm đạm, lại hứng thêm cú sốc ngay đầu năm - 3

Trong khi đó cư dân thì tìm đủ mọi cách để “né" việc sử dụng trực tiếp tay để ấn thang máy như dùng tăm, chìa khoá xe, giấy ăn…

Một số người còn chia sẻ trên mạng xã hội về cách sử dụng một chiếc bút để nhấn các nút trong thang máy. Nên chọn bút có nắp và đóng nắp lại sau khi sử dụng, rồi mới bỏ vào túi hoặc sử dụng găng tay cao su.

Chậm làm sổ đỏ cho cư dân phạt 1 tỷ đồng: Còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe?

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai .

Theo đó, HoREA cho rằng, các quy định của Nghị định 91 vừa xử lý khá nghiêm khắc các vi phạm để góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực đất đai.

Thị trường bất động sản vốn ảm đạm, lại hứng thêm cú sốc ngay đầu năm - 4
Chủ đầu tư vướng vi phạm ở một hoặc một số khâu của các pháp luật là nguyên nhân khiến việc cấp sổ hồng cho cư dân bị "treo".

Tuy nhiên, lãnh đạo HoREA cho rằng, mức phạt tiền tối đa chỉ đến 1 tỷ đồng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn với việc chậm làm thủ tục để cấp sổ đỏ cho khách hàng.

Cụ thể, theo Nghị định 91 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua quyền sử dụng đất sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm