Thành phố Cẩm Phả: Động thái "xanh" để khai phá tiềm năng lớn
(Dân trí) - Toàn bộ ban lãnh đạo các cấp, các đơn vị doanh nghiệp, người dân địa phương,… đều sẵn sàng cho một cuộc dịch chuyển tại thành phố Cẩm Phả.
Được thiên nhiên ưu đãi trữ lượng khoáng sản, Cẩm Phả một trong ba khu vực tập trung sản lượng than lớn, đưa Quảng Ninh là địa điểm sản xuất than đá chính của cả nước. Trước tiềm năng của ngành công nghiệp khai thác, Cẩm Phả phải đối diện trước bài toán đau đầu: tiếp tục khai thác khoáng sản hay làm du lịch. Đây là vấn đề chung của những khu vực giàu có tài nguyên trên thế giới.
Xu hướng phát triển bền vững tất yếu là dịch chuyển sang ngành “công nghiệp không khói”, giảm phụ thuộc vào tài nguyên hữu hạn…. để phát huy giá trị vô tận của văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thẳng cảnh. Song, không phải địa phương nào cũng sẵn sàng khước từ lợi nhuận trước mắt để hướng tới giá trị lâu dài.
Những dấu hiệu đáng mừng
So với một vài địa phương vẫn còn “bỏ ngỏ” câu hỏi trên, ban lãnh đạo thành phố Cẩm Phả đã căn cứ vào tình hình thực tế, xác định kế hoạch phát triển đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp - dịch vụ bền vững. Cụ thể, Cẩm Phả đặt mục tiêu năm 2020 thu hút trên 1 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt khoảng 600-700 tỷ đồng. Đến năm 2030, tổng lượt khách du lịch đạt 3 triệu, đưa Cẩm Phả trở thành đô thị điển hình thực hiện cụ thể hóa chuyển đổi phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Để trở thành thành phố du lịch, xóa bỏ những hình dung của du khách về một thành phố chỉ có than, Cẩm Phả xác định năm 2018 như bước tạo đà với mục tiêu hàng đầu là giải quyết tình trạng ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên. Đối với ngành công nghiệp khai thác than đá, Cẩm Phả đã “mạnh tay” chấm dứt hoạt động mỏ đá tại phường Quang Hanh của Công ty TNHH Thu Hiền, trên đà xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động của 5 mỏ đá trên địa bàn trong giai đoạn 2020-2025. Thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp khai thác tích cực triển khai giải pháp bảo vệ môi trường, thường xuyên ra quân kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Từ đầu năm 2018 tới nay, cứ mỗi sáng chủ nhật, hơn 15.000 người khắp các phường, xã cùng tham gia phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” do hội LHPN thành phố phát động, khơi thông 12 tuyến suối và 186 tuyến đường thôn, khu dân cư. Một tình nguyện viên chia sẻ: “Nhờ tình yêu và sự kỳ vọng về tiềm năng phát triển của quê hương, chúng tôi đã duy trì hoạt động trong suốt hơn một năm nay.. Đến nay, 13 tuyến đường được trồng 18.000 cây hoa. Chúng tôi mong muốn khách du lịch biết về Cẩm Phả không chỉ là màu nâu của than đá mà là sắc xanh của môi trường sạch đẹp.”
Ngoài ra, thành phố dành gần 1.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách để khởi công mới 21 dự án trong năm 2019, chủ yếu là các dự án hạ tầng đô thị, nhằm chỉnh trang diện mạo đô thị, triển khai các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục,… Đây là những dấu hiệu đáng mừng cho thấy tâm thế quyết liệt và sẵn sàng của toàn bộ cấp lãnh đạo, ban ngành, đơn vị doanh nghiệp và người dân Cẩm Phả cho một cuộc dịch chuyển từ “nâu” sang “xanh”.
Tiềm năng đợi khai phá
Trên thực tế, cuộc dịch chuyển này đã được lãnh đạo thành phố nghiên cứu và tìm hiểu kỹ dựa trên những tiềm năng sẵn có của Cẩm Phả. Ít người biết rằng, ngoài khoảng sản, Cẩm Phả có lợi thế với 50km đường biển, sở hữu Vịnh Bái Tử Long gồm các hòn đảo nhỏ vẫn giữ nguyên nét đẹp hoang sơ và các nguồn nước nóng dồi dào.
Hướng tới ngành công nghiệp không khói không đồng nghĩa với từ chối khai thác khoáng sản. Ngược lại, nếu biết tận dụng hợp lý các mỏ than lộ thiên đang hoạt động, Cẩm Phả có thể thiết kế và đưa vào khai thác các tour du lịch tham quan. Hiện nay Cẩm Phả đang khai thác tiềm năng của loại hình du lịch này với di tích lịch sử mỏ Đèo Nai – đơn vị duy nhất của ngành Than được chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Tại vị trí của mỏ Đèo, du khách có thể nhìn bao quát cả vùng than Cẩm Phả và Vịnh Bái Tử Long, lắng nghe những sự kiện lịch sử về năm tháng hào hùng của công nhân ngành Than trong thời kỳ khôi phục sản xuất.
Ngoài ra, một trong những lợi thế của Cẩm Phả trong lộ trình phát triển du lịch là vị trí địa - kinh tế đáng mơ ước. Không chỉ là giao điểm của tuyến giao thương quan trọng bậc nhất tại khu vực phía Bắc: trục phát triển kinh tế Hạ Long - Vân Đồn, Cẩm Phả còn nằm tại vị trí trung tâm trên “hành trình hồi hương” từ Hà Nội tới Quảng Ninh với các địa điểm tâm linh nổi tiếng như: thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn – Quảng Ninh), đền Cửa Ông (Cẩm Phả - Quảng Ninh), thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh),… Giao điểm “vàng” của Cẩm Phả được giới chuyên môn đánh giá cao là mở ra các loại hình kinh doanh - dịch vụ mới đáp ứng lượng du khách liên tục tới thăm quan và trung chuyển, có tiềm năng sinh lời cao trong tương lai,...
Trước những tiềm năng sẵn có, Cẩm Phả “hữu xạ tự nhiên hương” tới các nhà đầu tư phát triển bất động sản, doanh nghiệp du lịch lữ hành,… Hiện nay, có thể kể tới một số dự án lớn tiềm năng đang được đầu tư tại Cẩm Phả như: dự án khu nghỉ dưỡng khoáng nước nóng cao cấp Quang Hanh do tập đoàn Sun Group triển khai, dự án quy hoạch chi tiết đền Cửa Ông,…
Ngoài ra, tại trung tâm thành phố, các dự án bất động sản như Golden Mark Shophouse Cẩm Phả, Vincom Plaza, Vincom Shophouse,… phát triển nhanh chóng, hướng tới trở thành Đại lộ trung tâm mua sắm sầm uất nhất khu vực.