Tàu cao tốc Shinkansen đã thay đổi ngành đường sắt Nhật Bản như thế nào?
(Dân trí) - Nhật Bản nổi tiếng với nhiều thứ, từ văn hóa truyền thống đến công nghệ khoa học. Nổi bật trong số đó chính là hệ thống đường sắt cao tốc Shinkansen.
Rạng sáng 1/10/1964, một đoàn tàu màu xanh - trắng bóng bẩy lướt đi như bay qua khu đô thị rộng lớn của Tokyo. Đường ray trên cao đưa nó về phía Nam đến thành phố Osaka và phần còn lại được coi là lịch sử.
Đây là buổi bình minh của kỷ nguyên "tàu cao tốc" của Nhật Bản. Người ta cũng coi hệ thống đường sắt mới mẻ này là biểu tượng cho sự phục hồi đáng kinh ngạc của đất nước Mặt trời mọc sau Thế chiến II. Song song với Thế vận hội Olympic Tokyo 1964, kỳ quan công nghệ của những năm 1960 này đã đánh dấu sự trở lại của đất nước với vị trí đầu bảng của cộng đồng quốc tế.
Trong 56 năm kể từ chuyến tàu đầu tiên đó, từ Shinkansen - có nghĩa là "trục đường mới" - đã trở thành một từ ngữ được quốc tế công nhận về tốc độ, hiệu quả đi lại và tính hiện đại.
Nhật Bản vẫn là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ đường sắt. Các tập đoàn hùng mạnh như Hitachi và Toshiba xuất khẩu tàu hỏa và thiết bị trị giá hàng tỷ đô la trên khắp thế giới mỗi năm. Mạng lưới Shinkansen đã được mở rộng và ổn định kể từ khi tuyến Tokaido dài 320 km, nối Tokyo và Shin-Osaka, được hoàn thành vào năm 1964.
Các chuyến tàu chạy với vận tốc lên đến 200 dặm/giờ (khoảng 322 km/h) trên các tuyến đường tỏa ra từ thủ đô - đi về phía Bắc, Nam và phía Tây đến các thành phố như Kobe, Kyoto, Hiroshima và Nagano.
Cũng như một biểu tượng của sự phục hồi, Shinkansen đã được sử dụng như một công cụ cho sự phát triển kinh tế liên tục của Nhật Bản và là tác nhân then chốt của sự thay đổi trong một quốc gia bị ràng buộc bởi quy ước và truyền thống.
Đột phá ranh giới
Thực tế, nhu cầu về một mạng lưới đường sắt tại Nhật đã bắt đầu từ thế kỷ 20, nhưng phải đến những năm 1940, việc đó mới thực sự bắt đầu nghiêm túc như một phần của dự án đầy tham vọng nhằm kết nối Nhật Bản với Hàn Quốc và Nga qua các đường hầm dưới Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, thất bại trong Thế chiến II đồng nghĩa với việc kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt mới đã bị gác lại cho đến giữa những năm 1950, khi nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi mạnh mẽ.
Địa hình đầy thách thức, hoạt động địa chấn phức tạp và khí hậu nhiều thay đổi của Nhật Bản đã khiến các kỹ sư đường sắt hàng đầu Nhật Bản phải tìm ra giải pháp cho các vấn đề trên để có thể vượt qua ranh giới của công nghệ đường sắt.
Đặc điểm nổi bật của Shinkansen là chiếc mũi tàu dài. Chúng được thiết kế không phải để cải thiện hiệu quả khí động học mà chủ yếu để loại bỏ sự bùng nổ âm thanh do "hiệu ứng piston" của các đoàn tàu đi vào đường hầm gây ra.
Bất chấp những yếu tố khó khăn về địa hình, địa chất hay thời tiết, suốt 55 năm phát triển, tàu cao tốc Shinkansen vẫn là phương tiện giao thông an toàn, là biểu tượng của tốc độ và sự chính xác.
Năm 1889, thời gian đi tàu từ Tokyo đến Osaka là 16 tiếng rưỡi, nhanh hơn đi bộ từ hai đến ba tuần. Nhưng đến năm 1965, người ta chỉ mất 3 giờ 10 phút với tàu cao tốc Shinkansen để đi hết quãng đường trên.