Tạo dựng không gian đô thị hiện đại tại Thủ đô Hà Nội

Nhiều khu đô thị đồng bộ, tòa nhà cao tầng hiện đại, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm hình thành đã và đang tạo những nét vẽ của bức tranh đô thị Hà Nội đổi thay từng ngày.

Thủ đô hơn ngàn năm tuổi đã và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một TP hiện đại bậc nhất khu vực.

Tạo dựng không gian đô thị hiện đại tại Thủ đô Hà Nội - 1
Một góc kiến trúc đô thị Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Diện mạo mới

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, nhất là sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, công tác quy hoạch, xây dựng đã được Thành ủy, UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt.

Một lượng lớn đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… được phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng, phát triển, tạo bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh.

Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như The Manor, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, RoyalCity, TimesCity… đã tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô phát triển.

Sự hiện diện của các khu đô thị mới ở Hà Nội không chỉ góp phần tích cực giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nên những không gian sống tốt hơn.

Đặc biệt, để xứng tầm của một đô thị phát triển, TP Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển các dự án hiện đại quy mô tầm cỡ khu vực như Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm, thành phố thông minh… tại vùng đô thị phía Bắc sông Hồng.

Cùng với những dự án quy mô, nhiều công trình hiện đại, một trong những đột phá tạo dấu ấn của một đô thị bề thế là các công trình giao thông.

Trong giai đoạn vừa qua, với hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác ngoài nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan khu vực, là niềm tự hào của người dân Thủ đô và cả nước với bạn bè thế giới.
Cụ thể như công trình cầu Nhật Tân - một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, được áp dụng công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, với hệ thống đo lực căng cáp văng được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam.

Kết nối đồng bộ từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài là trục đường Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp) dài 12km với chiều rộng 80 - 100m, gồm 6 làn xe, được đánh giá là tuyến đường đẹp nhất Hà Nội, góp phần tạo hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại.

Và còn rất nhiều công trình như đường Vành đai 3 trên cao, đường Vành đai 2, đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nút giao thông Thanh Xuân, nút giao thông Trung Hòa, nút giao trung tâm quận Long Biên… đều là những công trình quy mô lớn, hiện đại, quá trình thi công đòi hỏi trình độ công nghệ rất cao.

Tạo dựng không gian đô thị hiện đại tại Thủ đô Hà Nội - 2
Cầu Nhật Tân

Huy động nguồn lực phát triển bền vững

Có được những kết quả rõ nét trên, công tác quy hoạch, xây dựng đã được lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt. Theo Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, đến nay TP đã phê duyệt 57/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên.

Triển khai lập và hoàn thành phê duyệt 26/35 đồ án quy hoạch phân khu đô thị trung tâm, 4/5 đồ án quy hoạch đô thị vệ tinh, 11/11 đồ án quy hoạch chung xây dựng thị trấn, 5/5 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, một khối lượng lớn các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch đặc thù…

Những đồ án quy hoạch đã giúp hoàn thiện công cụ quản lý từ TP đến các địa phương, kiểm soát đầu tư và kêu gọi đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Giám đốc Sở QH - KT cho rằng, xu hướng tái thiết và phát triển đô thị tại Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Quá trình đô thị hóa không chỉ là mở rộng phát triển các khu vực phát triển mới theo quy hoạch mà còn thúc đẩy quá trình tái thiết đô thị, cải tạo chỉnh trang khu vực nội đô.

Hà Nội đang tích cực tái cơ cấu không gian kinh tế - xã hội, tổ chức sắp xếp lại các phân khu chức năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị... theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển.

TP sẽ tiếp tục phát triển đồng bộ các khu đô thị mới theo tiêu chuẩn xanh - văn hiến - văn minh; triển khai xây dựng 5 đô thị vệ tinh gắn với xử lý tốt hơn những vấn đề về nhà ở, xử lý chất thải và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. TP sẽ huy động mọi nguồn lực, tạo bước đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung, làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Để phát triển văn minh, hiện đại theo hướng bền vững và có bản sắc, Hà Nội cần phải làm tốt công tác quản lý quy hoạch, hạn chế những điều chỉnh quy hoạch không vì mục đích phát triển chung của TP.

Đặc biệt, trong một đô thị phát triển thì con người là nhân tố rất quan trọng, cần chú ý xây dựng, nâng cao văn hóa đô thị cho người dân Thủ đô.
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng

Theo Vũ Lê
Báo Kinh tế & Đô thị