Sức hút đầu tư Cà Mau nhìn từ quy hoạch toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
(Dân trí) - Hàng loạt các hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư, xây dựng hạ tầng song song với kế hoạch hoàn thiện quy hoạch vùng… mang đến nhiều cơ hội phát triển mới cho ĐBSCL nói chung, Cà Mau nói riêng
Dồn dập kế hoạch thúc đẩy hạ tầng ĐBSCL
Ngày 23/11 vừa qua, tại Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại đây, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh, chưa bao giờ ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Việc phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu đã gây sức ép lên hệ thống hạ tầng, các đô thị và không gian sống của người dân ĐBSCL. Quy hoạch ĐBSCL nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển toàn vùng.
Trong hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL do đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đã được tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 6/2019, Thủ tướng đặc biệt chỉ đạo cần bố trí lại, bổ sung nguồn lực, trước hết là hạ tầng cứng, đào tạo nhân lực để phục vụ phát triển vùng. Hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, lâu nay được xem là điểm yếu cố hữu kìm nén sự phát triển ĐBSCL. Ngay sau hội nghị, hàng loạt những kế hoạch về quy hoạch hạ tầng cho ĐBSCL được công bố. Đáng chú ý có 7 dự án cao tốc được kết cấu theo hai trục dọc và ngang với tổng chiều dài gần 1.000 km có thể chấm dứt tình trạng hạ tầng đứt gãy của vùng.
Trả lời ý kiến các đại biểu trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 10/11/2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, hạ tầng toàn vùng ĐBSCL sẽ được cải thiện bằng các trục giao thông mới. Dự kiến, hết năm 2025, toàn vùng sẽ có khoảng 300 km đường cao tốc. Hiện đã có 40 km đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km tới đây sẽ được thông xe. Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai toàn bộ gói thầu. Dự kiến, năm 2023, sẽ xong cầu Mỹ Thuận 2 và 23 km từ cầu Mỹ Thuận đến Cần Thơ thì trong tháng 12 này sẽ khởi công cả 3 gói thầu và bố trí đủ nguồn vốn…
Cà Mau nắm bắt cơ hội phát triển
Với 13 tỉnh ĐBSCL, những kế hoạch phát triển đồng bộ dựa trên kết nối hạ tầng vững chắc là chìa khóa tạo nên cơ hội bứt phá cho toàn vùng. Ngay sau khi các dự án hạ tầng cấp vùng được công bố, một trụ trong "Tứ giác động lực" phát triển ĐBSCL - Cà Mau - lập tức triển khai hàng loạt kế hoạch nhằm nắm bắt cơ hội phát triển.
Chẳng hạn, với 7 dự án cao tốc của vùng, nhận thấy tuyến cao tốc theo trục dọc này rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Cà Mau chủ động đề xuất Chính phủ cho làm trước đoạn Cà Mau - Bạc Liêu dài 46 km, vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng theo hình thức hợp tác công tư (PPP) và đã tìm được nhà đầu tư.
Thêm vào đó, hàng loạt những động thái kêu gọi thu hút đầu tư, hoàn thiện quy hoạch cũng được thúc đẩy nhanh chóng. Tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu Cà Mau phải định hướng phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế; Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Với định hướng trở thành đô thị loại I, thành phố Cà Mau kiến thiết đô thị theo hướng phát triển bền vững. Ðến nay, đã có 51 đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt, trong đó có 45 đồ án quy hoạch chi tiết, 6 đồ án quy hoạch phân khu. Các phường nội ô đã quy hoạch phân khu bao phủ hơn 52% diện tích.
Theo danh mục các dự án mời gọi đầu tư của Trung tâm xúc tiến Đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC), trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, ngoài lĩnh vực thương mại với 20 dự án mời gọi xây dựng các chợ, trung tâm thương mại - dịch vụ thì giao thông vận tải và nhà ở thương mại là hai lĩnh vực số lượng dự án nhiều nhất, mỗi lĩnh vực lên đến 13 dự án.
Có thể thấy, những thay đổi từ chính sách vĩ mô đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động đầu tư, phát triển tại nhiều địa phương thuộc ĐBSCL, trong đó có Cà Mau. Những khu đô thị hiện đại, các dự án nhà ở thương mại đa tiện ích… sẽ là tâm điểm của quá trình đô thị hóa các địa phương trong vùng, và điều đó đang được Cà Mau hiện thực hóa một cách rõ nét.