Rủi ro đầu tư bất động sản qua app

Nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản đang đưa ra các ứng dụng mua bán trực tuyến (app) để nhiều nhà đầu tư có thể cùng kết nối, mua chung một căn hộ, đất hoặc một dự án.

Rủi ro đầu tư bất động sản qua app - 1

Chỉ từ vài triệu đến 100 triệu đồng, khách hàng có thể làm chủ một phần sản phẩm bất động sản có giá trị lên đến vài chục tỷ

Theo tư vấn của một nhà đầu tư, có khi chỉ cần vài triệu đồng là người mua đã có thể góp vốn vào một dự án đất nền trị giá vài tỷ đồng. Chẳng hạn như một bất động sản có trị giá 3 tỷ đồng sẽ được chia thành 100 phần, mỗi phần 30 triệu đồng, khách hàng có thể mua 1 hoặc nhiều phần. Khi nhà đầu tư góp vốn mua còn được hưởng lợi nhuận từ 6%/năm trở lên.

Ở một công ty khác, khi tải app về điện thoại và chọn dự án tham gia, vốn đầu tư tối thiểu 100 triệu đồng, miễn không vượt giá của bất động sản đó. Công ty sẽ ký hợp đồng đầu tư tài chính chứ không phải mua bất động sản, nên hai bên không cần phải ra công chứng, trong hợp đồng vẫn ghi rõ về thông tin dự án…

Sau khi nhà đầu tư đăng ký xong thì chủ dự án sẽ đóng giao dịch này để không thực hiện bán ra ngoài cho khách hàng khác. Lợi nhuận tối thiểu cam kết từ 14,5 - 15%/năm. Những nhà đầu tư đăng ký trước ngày quy định sẽ được nhận thêm 0,5% nên tổng mức lợi nhuận có thể lên đến 15,5%/năm. 

Rủi ro đầu tư bất động sản qua app - 2

Người mua phần giá trị bất động sản không thể xác lập quyền sở hữu và định đoạt số phận tài sản đó

Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng, hình thức mua bất động sản qua App thực chất là phương thức đầu tư tài chính, huy động vốn của chủ đầu tư, mọi ràng buộc chỉ dựa vào hợp đồng hợp tác với đơn vị phát hành. Người mua phần giá trị tài sản đó cũng không thể xác lập quyền sở hữu và định đoạt số phận tài sản đó.

Hiện nay, mô hình này trong kinh doanh bất động sản chưa có khung pháp luật điều chỉnh. Cách thức để các chủ đầu tư, đơn vị huy động vốn phổ biến vẫn là cam kết lợi nhuận cao, dễ dẫn đến biến tướng gây rủi ro cho nhà đầu tư. "Để lôi kéo nhà đầu tư, một số bên dùng "mồi" cam kết lợi nhuận khủng. Nhà đầu tư dễ bị sa lưới như câu chuyện condotel trước đây", ông Châu nói.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết thêm, trước đây nhiều người hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cũng đã từng nhắc đến mô hình này. Tuy nhiên, đây là mô hình hoàn toàn mới tại Việt Nam nên không có bất kỳ quy định nào xoay quanh hình thức này. Vì vậy điều đó ẩn chứa nhiều rủi ro hơn cho bản thân nhà đầu tư. Thậm chí có thể một số đơn vị lập lờ giữa mua chung bất động sản và cổ phiếu, cổ phần.

Theo ông Đính, với số vốn đầu tư ban đầu thấp nên khác với các hình thức đầu tư bất động sản khác hướng tới những khách hàng dư giả về tài chính, kênh mua chung bất động sản này mở rộng đối tượng tiếp cận đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít vốn. Đây thậm chí có thể là những người dân nông thôn, thậm chí là các bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia vào thị trường. Nếu có xảy ra rủi ro liên quan đến dự án bất động sản như dự án chưa hoàn tất thủ tục, có vấn đề về pháp lý thì không có quy định nào có thể bảo vệ được người mua 1 phần bất động sản đó. 

"Luật Kinh doanh Bất động sản, luật Nhà ở hiện nay đều chỉ bảo vệ người mua bất động sản hoàn chỉnh và đứng tên sở hữu hoặc mua cổ phiếu thì có Luật chứng khoán bảo vệ. Trong khi đó người mua 1 phần bất động sản là dở hàng hóa, dở cổ phiếu thì không có quy định hay cơ quan nào bảo vệ nên rủi ro rất cao" - ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ thêm và cũng cho rằng cơ quan quản lý nên xem xét, nghiên cứu về mô hình hoạt động này.