Quay cuồng trong cơn sốt đất: Giá đất tăng phi mã

Cơn sốt giá đất lan nhanh từ thành thị đến nông thôn các địa phương miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên - Huế... kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy xã hội. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước lại lúng túng trong quản lý.

Các chiêu trò kích giá theo kiểu đồn thổi, ăn theo dự án đã đẩy giá bất động sản nhiều tỉnh, thành miền Trung tăng đột biến.

Giá đất rục rịch tăng từ đầu năm 2017 và "nóng sốt" trong gần 1 năm nay. Cơn "sốt" lan rộng, đâu đâu cũng thấy nhan nhản bảng hiệu quảng cáo nhà đất và đội quân "cò" đất hoạt động sôi nổi.

"Tấc đất, tấc vàng"

Đến Quảng Nam, đi dọc con đường 129 nối Hội An với Tam Kỳ hay đường thanh niên ven biển dọc các xã như Duy Vinh, Duy Hải (huyện Duy Xuyên); Bình Dương, Bình Minh, Bình Nam (huyện Thăng Bình); Tam Thanh (TP Tam Kỳ)..., nhiều người không khỏi choáng ngợp bởi hàng ngàn tấm bảng môi giới dịch vụ nhà đất "giăng" khắp nơi. Người dân ở đây cho biết ngày trước đất đai ven biển khô cằn, "chó ăn đá, gà ăn sỏi" nên chẳng ai ngó ngàng, thế nhưng hiện nay, "tấc đất, tấc vàng".

Nằm trong vùng có nhiều dự án đã và đang được đầu tư xây dựng, xã Bình Dương bị cơn bão giá đất "càn quét" mạnh nhất, giá đất ở đây đắt đỏ nhất so với các xã ven biển khác trong tỉnh Quảng Nam. Nếu như thời điểm bắt đầu cơn sốt đất cách đây 3 năm, mỗi m2 đất thổ cư ở ven vùng dự án khoảng 3-4 triệu đồng thì nay lên đến 18-19 triệu đồng. Đất rừng sản xuất cũng tăng từ vài trăm ngàn đồng lên vài triệu đồng/m2, thậm chí hơn 10 triệu đồng/m2. "Họ mua đất rừng sau đó nhờ các mối quan hệ, chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở để bán với giá cao gấp nhiều lần" - một người dân tiết lộ.

 

Quay cuồng trong cơn sốt đất: Giá đất tăng phi mã - 1

Bảng hiệu dịch vụ môi giới đất mọc như nấm sau mưa tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam Ảnh: Trần Thường

 

Tại Đà Nẵng, sau thời gian trầm lắng giai đoạn 2009-2014, giao dịch nhà đất bắt đầu tăng nhiệt từ cuối năm 2015 đến nay. Hàng loạt dự án bất động sản được ra mắt như khu đô thị Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) mở rộng, khu Phước Lý (quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ) mở rộng do Công ty CP Đầu tư miền Trung làm chủ đầu tư, hay Golden Hills (quận Liên Chiểu) do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư. Thời điểm năm 2016, 1 lô đất có diện tích khoảng 100 m2 tại khu đô thị Hòa Xuân có giá từ 1-1,3 tỉ đồng, tại khu đô thị Phước Lý khoảng 400-500 triệu đồng, Golden Hills 500 triệu đồng. Cũng diện tích này, giá bán hiện đã cao gấp 4-6 lần. Chẳng hạn, lô 100 m2 tại khu đô thị Hòa Xuân đang giao dịch 4 tỉ đồng, khu đô thị Phước Lý là 2,5-3 tỉ đồng, khu đô thị Golden Hills là 3 tỉ đồng. Riêng khu vực đất nền ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, 1 m2 thời điểm hiện tại lên đến 100-500 triệu đồng.

Theo giới kinh doanh, "sốt" đất không chỉ diễn ra ở những khu vực dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục pháp lý hay ở những khu vực trung tâm, kế cận thành phố mà còn lan rộng ra các khu tái định cư cách xa trung tâm và vùng nông thôn.

Khu tái định cư Hòa Liên (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) nằm ngay cạnh điểm nóng ô nhiễm của Đà Nẵng dù chưa hoàn thiện hệ thống điện, nước, đèn đường, đường nội bộ… nhưng vẫn tăng giá phi mã. Đỉnh điểm của cơn "sốt" là giá bán từ 500 triệu đồng/100 m2 đã tăng lên 1,6 tỉ đồng/100 m2 chỉ sau 4 ngày. Tương tự, đợt "sốt" đất cũng vừa xảy ra tại khu vực xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), người mua thậm chí trả giá gần 1,2 tỉ đồng cho lô đất còn nguyên bờ tre. Những miếng đất nông nghiệp đang trơ gốc rạ cũng được trả giá trên 1 tỉ đồng.

Ăn theo hạ tầng

Theo khảo sát của phóng viên, cách đây khoảng 4 năm, giá đất đường ven biển Xuân Diệu, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) chỉ khoảng 20-30 triệu đồng/m2, giờ đã vọt lên cao nhất TP Quy Nhơn với mức giao dịch từ 200-250 triệu đồng/m2.

Tại nhiều khu vực ngoại thành Quy Nhơn, nhất là những địa phương đã và đang triển khai các dự án du lịch, giá đất cũng tăng chóng mặt. Điển hình như tại khu vực xã ven biển Nhơn Lý, giá đất nền năm 2016 khoảng 2-3 triệu đồng/m2. Sau khi quần thể du lịch FLC Quy Nhơn tại đây đi vào hoạt động, giá đất đã tăng gấp 10-15 lần, lên đến 30-35 triệu đồng/m2 (khu vực ven biển) và 20 triệu đồng/m2 (các trục đường chính khu trung tâm xã).

Tình trạng mua bán đất cũng diễn ra hết sức rầm rộ tại tỉnh Quảng Ngãi. Không chỉ các khu dân cư trung tâm TP Quảng Ngãi, nhiều khu dân cư vùng ven cũng đang rần rần nhảy giá. Theo một nhân viên môi giới, đất tại các khu dân cư Đồng Phú (huyện Sơn Tịnh), Thạch Bích (TP Quảng Ngãi) đã lên đến 1,2-1,5 tỉ đồng/lô nhưng không có để bán. Ông Nguyễn Văn Cảnh, một người dân ở thôn An Phú, xã Tịnh An (TP Quảng Ngãi), cho biết mỗi ngày tại đây có hàng chục người tới hỏi mua đất. "Cách đây 1 năm, một lô đất chỉ 100 triệu đồng, đầu năm 2019 tăng lên 250 triệu đồng, bây giờ đã là 500 triệu đồng nhưng ít ai bán" - ông Cảnh nói.

Cách đây 5 năm, những ngôi làng như Ngọc Anh, Lại Thế, Chiết Bi... thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn hồ nước và các vườn chuối quanh năm yên bình, người dân sống dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều dự án mọc lên ven tuyến Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 49, Tỉnh lộ 10 hay đường Tự Đức - Thuận An đã đẩy giá đất lên khá cao. Đặc biệt từ năm 2017 và cao điểm cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, nhu cầu đất ở tăng đột biến nên đất vùng ven càng lúc càng có giá. Anh Hoàng, một "cò" bất động sản có thâm niên hơn 10 năm ở TP Huế, cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều công ty, cá nhân kinh doanh bất động sản thường xuyên lùng sục vườn của các hộ rồi tách thửa nhỏ, bán lại.

Người người, nhà nhà làm môi giới

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có hàng chục công ty buôn bán bất động sản hoạt động, mỗi công ty có ít nhất 100 nhân viên. Theo chị Trần Thị Thanh, nhân viên công ty bất động sản H.L, công ty chị có hơn 100 người, hoạt động buôn bán đất ở khắp nơi như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam... và tiếp tục tuyển nhân viên để phát triển thị trường. Cũng theo chị Thanh, hiện mỗi tháng nhân viên môi giới kiếm được vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng. Cũng bởi "nghề" này đang lên nên nhiều người bỏ việc, nộp hồ sơ vào các công ty bất động sản xin làm nhân viên kinh doanh.

Từ dạo sốt đất, anh N.V.T, công chức công tác tại một sở của TP Đà Nẵng, ngày ngày đăng trên trang Facebook cá nhân thông tin rao bán đất, nhà. Anh T. cho biết nhận mối bán đất thông qua những người bạn làm bất động sản, có lô môi giới thành công anh được trả hoa hồng gần 40 triệu đồng, bằng mấy tháng lương. "Nếu tháng nào may mắn, giới thiệu được 3-4 miếng đất thì tiền hoa hồng bằng cả năm đi làm" - anh T. khoe và cho biết cả cơ quan anh hầu như ai cũng đang làm "cò". Nhiều người nghỉ hẳn công việc văn phòng, chuyển sang làm "cò" rao bán đất trên mạng xã hội.

Sức nóng của cơn sốt đất tỏa ra khắp nơi, từ quán cà phê, quán ăn đến công sở…, người người bàn tán chuyện mua bán đất. Ngay tại những vùng nông thôn, nông dân vốn quen với cày cuốc, đồng ruộng giờ cũng… rũ bùn đứng dậy làm "cò" đất. 

Nhiều hệ lụy

Ông Phan Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), cho biết tình trạng đất đai tăng giá phi mã ở địa phương kéo theo nhiều hệ lụy, an ninh trật tự phức tạp, khiếu kiện về đất đai gia tăng. "Trước tình hình đất đai diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, chúng tôi khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trong việc bán đất, không nên vì lợi ích trước mắt mà quên đi các vấn đề về lâu về dài..." - ông Vân nói.

Chủ yếu mua bán sang tay

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngọc, nhân viên một công ty bất động sản tại Đà Nẵng, cho hay vài tháng gần đây, giá đất tăng liên tục nhưng số lượng giao dịch thực tế rất ít mà chủ yếu là mua bán sang tay giữa những người môi giới. "Người môi giới nào đó cầm lô này, đẩy giá lên rồi sang nhượng cho môi giới khác. Cứ như vậy, tùy vào giá trị lô đất, mỗi môi giới kiếm được vài chục đến cả trăm triệu đồng" - chị Ngọc kể và cho biết thêm rất ít người mua đất để ở bởi giá đang quá "chát".

Cũng theo chị Ngọc, giai đoạn trước khi giá đất quay cuồng, mỗi tháng chị bán được vài lô, bỏ túi 5-20 triệu đồng tiền hoa hồng nhưng gần đây không bán được lô nào nên phải theo "cò" mới kiếm được đồng ra đồng vô.

 

Theo Nhóm Phóng viên
Người Lao động

bannerchan-bai.gif