Phục vụ nấu ăn tại gia: Dịch vụ mới lên ngôi giữa đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Dịch vụ nấu nướng tại gia trong mùa dịch là một ý tưởng tuyệt vời dành cho các khách hàng muốn được ăn ngon nhưng không cần phải đến những nhà hàng đông người.
Tác động của đại dịch Covid đã khiến rất nhiều nhà hàng phải đóng cửa, nhiều đầu bếp ở Nhật Bản phải nghỉ việc và tìm cách duy trì hoạt động kinh doanh với số khách ít ỏi bắt buộc phải ra ngoài dù tình hình dịch đang căng thẳng.
Cùng với sự bùng nổ của dịch vụ giao đồ ăn uống, việc thuê đầu bếp tại gia ngày càng trở nên phổ biến. Người ta coi đây là cách để thưởng thức các món ăn chất lượng như ở nhà hàng ngay tại nhà, mà không lo ngại việc lây nhiễm virus corona.
"Đó là một giải pháp tuyệt vời vì chúng tôi thực sự không có thời gian ăn ở. Không giống như dịch vụ giao đồ ăn, chúng tôi có thể chủ động thảo luận về những món ăn mình muốn được phục vụ với đầu bếp, và tôi thực sự hài lòng vì điều đó", một khách hàng là bác sĩ 30 tuổi cho biết.
Gia đình người phụ nữ này thường xuyên sử dụng dịch vụ trọn gói, trong đó đầu bếp sẽ chuẩn bị bữa ăn từ ba đến bốn đêm với mức phí 7.480 yên mỗi lần đến, chưa bao gồm các chi phí ăn uống khác.
Reki Uchiyama, đầu bếp 47 tuổi, làm việc tại Sharedine Co, một công ty chuyên cung cấp đầu bếp đến làm việc tại gia bày tỏ rằng dù hơi lo lắng khi phải sử dụng nhà bếp của người khác để nấu ăn, "nhưng tôi nghĩ đó là một trải nghiệm để có thể hoàn thiện thêm về kỹ năng".
Tại nhà vị bác sĩ trên, Uchiyama đã chuẩn bị khoảng 10 món ăn trong thời gian ba tiếng. Tùy theo yêu cầu, Sharedine có thể kết nối các đầu bếp với khách hàng trung thành của họ để giúp việc phục vụ và chế biến theo sở thích khách hàng dễ dàng hơn.
Các phản hồi trực tuyến từ khách hàng nhìn chung đều mang hướng tích cực. Việc Sharedine làm như một sợi dây cứu cánh của các đầu bếp trong thời kỳ đại dịch khó khăn.
Năm ngoái, số vụ phá sản trong ngành dịch vụ ăn uống, tính từ những công ty có khoản nợ 10 triệu yên trở lên, đã đạt đến con số 842 - một mức cao kỷ lục ở Nhật Bản. Điều này là do chính phủ công bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc khiến người dân từ bỏ thói quen ăn uống ở nhà hàng để hạn chế tụ tập. Theo Tokyo Shoko Research, con số này thậm chí vượt qua năm 2011 là năm xảy một trận động đất và sóng thần lớn ở vùng đông bắc Nhật Bản.
Uchiyama, một cựu bếp trưởng của nhà hàng nổi tiếng đã mất việc trong trận đại dịch và gia nhập Sharedine vào tháng 9 năm ngoái. "Phản hồi từ khách hàng đã tạo động lực cho tôi rất nhiều", Uchiyama cho biết.
So với các nhà hàng độc lập, mô hình kinh doanh này cho phép các startup tự thành lập công ty cung cấp đầu bếp tại gia với chi phí vận hành thấp mà không cần quá nhiều nhân viên phục vụ hay vốn đầu tư ban đầu lớn. Theo Junji Arisako - chủ tiệm Shokunomori, một nhà hàng kinh doanh theo mô hình này - ông đã làm tất cả để hỗ trợ các đầu bếp đang phải đối mặt với tình huống bất lợi giữa đại dịch, khi những khó khăn còn chưa biết đến lúc nào mới kết thúc đối với ngành dịch vụ ẩm thực của Nhật nói riêng và thế giới nói chung.