Ôm bao tải tiền vào Đà Nẵng đánh lớn, ai ngờ sụt hố gánh nợ
Sau cao trào “lướt sóng” bất động sản tại Quảng Nam, Đà Nẵng đầu năm 2019, nay giá giảm mạnh, nhiều lô đất bán lỗ không ai mua, nhà đầu tư nhỏ lẻ lo bị mất vốn thậm chí gánh nợ chồng chất.
Cơ hội vàng?
Năm 2018, Đà Nẵng và một số huyện giáp ranh thuộc tỉnh Quảng Nam, bước vào “cơn sốt” đất chưa từng có, nhất là phân khúc đất nền. Thời điểm cuối năm 2018 đầu 2019, giá đất nền, đất thổ cư tại khu vực này tăng chóng mặt, có nơi tăng gấp 3-4 lần so với trước - hệ quả của trào lưu nhà nhà cùng “lướt sóng” bất động sản. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đổ về đây, ào ào chi hàng chục tỷ đồng tìm mua những mảnh đất được cho là gần những dự án lớn sắp khởi công, sau đó bán nhanh kiếm lời.
Hàng loạt nhà đầu tư từ Hà Nội, TP.HCM rủ nhau mang tiền đổ về Quảng Nam, Đà Nẵng mua đất. Nhiều người đang kinh doanh trong các lĩnh vực khác không liên quan gì đến bất động sản như ô tô, xe máy, rau quả, thực phẩm,... cũng đổ về đây lập đại bản doanh mua bán đất. Kết hợp với đội ngũ “cò mồi” địa phương, họ săn các mảnh đất giá hời rồi làm mọi cách đẩy giá lên, sang tay nhanh kiếm lời.
Khi đó, tại TP. Đà Nẵng liên tục xuất hiện các thông tin giả mạo về các quy hoạch đô thị, thậm chí cả văn bản phê duyệt dự án, thành lập quận mới,... của UBND TP cũng bị làm giả nhằm đẩy giá đất lên càng cao càng tốt.
Một số nhà đầu tư lướt sóng giai đoạn đầu nhờ đó trúng đậm. Một người chuyên buôn ô tô cũ tại Lê Văn Lương Hà Nội kể rằng, cuối năm 2018 ông mua một mảnh đất thổ cư rộng 100 m2 tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) giá 400 triệu đồng, sang đầu năm 2019 bán đi, thu về 800 triệu đồng, hơn hẳn kinh doanh ô tô.
Nhiều nhà đầu tư như ông nhanh tay mua đất hồi giữa năm 2018, khi giá còn thấp, đến đầu 2019 khi cơn sốt lên đỉnh điểm, bán ra lãi gấp 3-4 lần, thu lời những khoản lớn.
Sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi là thời điểm phong trào “lướt sóng” tăng mạnh với nhiều nhà đầu tư nhỏ đổ về, mua lại của những nhà đầu tư trước đây, với niềm tin giá đất tiếp tục tăng, cơ hội vẫn còn.
Tuy nhiên, những người đầu tư ban đầu, sau khi bán hết số đất đã gom với khoản chênh lệch lớn, đã nhanh chóng rút quân, để lại hậu quả cho những người đến sau. Cùng với sự quyết liệt của chính quyền TP. Đà Nẵng, Quảng Nam nhằm chấn chỉnh thị trường bất động sản, cơn sốt đất nhanh chóng hạ nhiệt.
Gánh nợ lớn dần
Không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ, mua vào không kịp xả hàng, giờ đối mặt với thua lỗ, mất vốn, nợ nần. Một chủ buôn ô tô tại Hà Nội, cũng theo chân vào Đà Nẵng “lướt sóng” nhà đất, cho biết, anh còn 2 lô đất, mỗi lô 100 m2 tại Hòa Tiến - Hòa Vang, trước đây mua gần 1 tỷ đồng/lô, nhưng 5 tháng nay không bán được dù chấp nhận bán bằng 2/3 giá mua, bởi tình trạng ế ẩm chẳng có giao dịch nào ở đây.
Hiện đất nền tại những khu vực phía Nam TP. Đà Nẵng tiếp giáp với Quảng Nam đã giảm giá từ 300-700 triệu đồng/lô, tùy vị trí. Cũng không khó để tìm ra nhiều chủ đất rao bán đất nền thời gian dài nhưng không ai mua.
Ngay cả đất nền thuộc các khu đô thị của Đà Nẵng như khu đô thị Phước Lý (quận Cẩm Lệ) cũng giảm từ 200-300 triệu đồng/lô, giá đất dao động từ 21-35 triệu đồng/m2. Hay đất dự án Golden Hills (quận Liên Chiểu) cũng đồng loạt giảm giá sâu. Có lô đất diện tích 120m2 đã có sổ đỏ, giá rao bán chỉ còn 2,2 tỷ đồng, giảm gần 1 tỷ đồng so với thời điểm sau Tết Nguyên đán 2019.
Khốn khó nhất là những người phải vay vốn để đầu tư, nay buộc phải chấp nhận bán lỗ “xả hàng” vì không gánh nổi tiền lãi. Tuy nhiên, muốn bán cũng không dễ. Khi giá xuống thì nhiều người lại không dám mua, sợ còn xuống nữa.
Mặc dù đã được cảnh báo là thuộc “đội quân” những người mua cuối cùng, nhưng anh Nguyễn Huy Cương ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, vẫn tin rằng thị trường bất động sản còn đi lên khoảng 4 năm nữa. Ai ngờ, giá đất hạ nhiệt nhanh quá, trở tay không kịp.
“Tôi đang lo bán nhanh một lô đất 400m2 để cắt lỗ, trả khoản vay 1,8 tỷ đồng từ ngân hàng. Ngày nào còn chưa bán được tôi còn đau đầu”, anh Cương than thở.
Không những thế, thông tin thị trường bất động sản bị siết tín dụng từ 2020 càng khiến nhiều người lo lắng. Bởi, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quy định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn. Mức giảm sẽ còn 40%-37%-34%-30% theo lộ trình từ 1/1/2020 đến 1/10/2022. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro với kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Điều này khiến cho việc vay vốn của các DN bất động sản và của cả cá nhân vay tiền để mua nhà, đất hay sửa chữa nhà cửa, bị siết chặt, thanh khoản trên thị trường chắc chắn sẽ giảm.
Mới đây, tại Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án Cocobay chính thức thừa nhận khó khăn về dòng tiền, chấm dứt việc chi trả lợi nhuận cam kết lên tới 12%/năm đã ký với khách hàng mua những căn condotel tại đây. Nhiều người đang rất lo lắng, bởi họ phải vay ngân hàng để mua condotel và trông chờ nhà đầu tư trả lãi 12%/năm để có tiền trả nợ. Không được nhận lãi đồng nghĩa không có tiền, nguy cơ tài sản thuộc về các ngân hàng là hiện hữu.
Theo Trần Thuỷ
VietnamNet