1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Thừa Thiên Huế:

“Nóng” chuyện cát xây dựng giá cao tại Huế: “đau đầu” tìm nguồn cung

(Dân trí) - Trong phiên chất vấn kỳ họp lần thứ 8 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa diễn ra sáng 9/7, vấn đề được các đại biểu quan tâm xoáy vào là câu chuyện giá cát tăng và tìm nguồn cung như thế nào để đảm bảo.

Giá cát tăng do khan hiếm

Trước tình hình khan hiếm cát vật liệu xây dựng, giá cát tăng, đại biểu Lưu Đức Hoàn thắc mắc về nguyên nhân thực trạng trên và các biện pháp bình ổn nguồn cung. Ông Hoàn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thực trạng khai thác trái phép các mỏ cát trên địa bàn và giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này.

Ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ 2018 đến nay, các sở, ngành địa phương đã thanh kiểm tra giám sát phát hiện xử lý nghiêm đoàn liên ngành kiểm tra xử lý vi phạm cát sỏi lòng sông. Qua kiểm tra, Chánh Thanh tra Sở ban hành 55 quyết định xử phạt; xử phạt 4 tổ chức với số tiền hơn 4 tỉ đồng, tước 5 giấy phép. Công an lập biên bản 652 trường hợp xử phạt hơn 1 tỉ đồng. Các địa phương phát hiện xử lý 27 trường hợp xử phạt 68 trường hợp…

“Nóng” chuyện cát xây dựng giá cao tại Huế: “đau đầu” tìm nguồn cung - 1

Mỏ cát của DNTN Tuyết Liêm vừa bị Công an tỉnh kiểm tra, tạm dừng hoạt động vì không cung cấp được giấy tờ chứng minh tổng sản lượng 

Về biện pháp, hiện tại UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản giai đoạn 2018-2019; mở rộng mô hình khai thác cát sỏi nội đồng; rà soát các nguyên vật liệu thay thế như đá...

Đáng chú ý với thông tin UBND tỉnh đã chỉ đạo bổ sung thêm 7 bãi bồi và 1 bãi cát nội đồng được cấp phép khai thác, ông Thông cho hay do đây là lần đầu thực hiện đấu giá khai thác khoáng sản nên rất cẩn trọng. Quy trình gồm gồm 26 bước, phải xây dựng đề án thực hiện các bước, lập dự toán, khảo sát lại trữ lượng. Dự kiến đầu quý III/2019 sẽ tiến hành đấu giá.

Đại biểu Huỳnh Cư nhận xét nếu với giá cát hiện nay từ 380 đến 400 ngàn đồng/khối cát thì người dân “chết chắc”. Nếu đấu giá mỏ cát xong, doanh nghiệp có cam kết giữ đúng giá hay không? Thế nên nhà nước phải giữ vai trò điều tiết trước sự độc quyền của các chủ bãi cát. Bằng mọi giá không phải tỉnh thiếu cát mà phải tìm cách cung cấp tại chỗ. Nơi nào giá thấp thì theo cơ chế thị trường sẽ điều tiết cho về Huế bán, như Đà Nẵng, Quảng Nam giá tốt hơn thì đưa về để bán cho dân hưởng lợi.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, chủ yếu nguồn cát tại Huế là cát sông, giá rẻ hơn so với trên thị trường chừng hơn 100 ngàn đồng/khối. Tuy nhiên do nguồn này chủ yếu là cát lậu nên giá thấp. Từ khi tỉnh siết chặt, làm chặt công tác quản lý cát thì cát lậu không hoạt động được, dẫn đến khan hiếm nguồn cát, làm giá cát tăng.

“Nóng” chuyện cát xây dựng giá cao tại Huế: “đau đầu” tìm nguồn cung - 2

Khai thác cát lậu dẫn đến sạt lở lòng sông. 2 mỏ đá của Công ty Tuấn Hải mới đây cũng đã bị tỉnh rút giấy phép khai thác

2020 sẽ dùng cát nhân tạo xay từ đá, đề xuất thủy điện xả đáy để có cát tự nhiên

Theo ông Định, kế hoạch đến năm 2020 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chấm dứt khai thác cát trên sông. Chỉ còn một số vùng tập trung cát do dòng chảy thì sẽ lập các mô hình khai thác cát cộng đồng từ người dân, cụ thể sẽ hình thành các hợp tác xã dưới sự quản lý nhà nước.

Hiện có 2 nguồn cung mà tỉnh hướng đến là nhập cát từ thị trường khác về, và khảo sát một số vùng cát nội đồng có trữ lượng lớn – nhưng do qua khảo sát thì khai thác cát nội đồng sẽ tạo nên các vùng trống không có gì lấp vào được nên không có hiệu quả tổng thế. Vì vậy, hướng lâu dài sẽ dùng cát nhân tạo từ nguồn xay, chế biến đá, hiện tại đã có một số doanh nghiệp tiên phong đứng ra làm với giá đảm bảo, sang năm 2020 sẽ bắt đầu chế biến.

“Nóng” chuyện cát xây dựng giá cao tại Huế: “đau đầu” tìm nguồn cung - 3

Cát nhân tạo được làm từ đá sẽ là giải pháp từ năm 2020

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng về lâu dài, do sản lượng cát sẵn có chỉ đáp ứng chừng 1/5 nhu cầu nên nhà nước phải chống độc quyền, điều tiết thị trường cát, hỗ trợ sản xuất vật liệu mới làm ra cát, tiết kiệm vật liệu cát tự nhiên bằng cách dùng cát thay thế có nguồn gốc cát xay từ đá thì sẽ hợp lý.

Đại biểu Trương Công Nam cho ý kiến thêm, vì nguồn cung cát đang giảm, theo tự nhiên thì mưa lũ tạo lớp phong hóa cát chảy từ thượng nguồn về dòng sông, nhưng do thủy điện chặn lại nên dưới hạ lưu không có cát. Làm như thế nào để thủy điện phải xả đáy thì mới có cát vùng xuôi được. Thứ đến nên chú ý khai thác cát ở các hồ chứ nếu khai thác cát lòng sông sẽ bị cạn kiệt và dẫn đến sạt lở.

Ngoài ra, ở các nước tiên tiến có phương thức tái chế lại xà bần của vật liệu xây dựng để tạo ra cát, nếu Huế làm được cách này thì rất tốt vì xà bần thấy đổ nhiều nơi nhếch nhác mà lại không tận dụng được. Ở một ví dụ khác khi Công ty Cấp thoát nước thời ông Nam làm Giám đốc khi hợp tác với dự án ADB, một khối cát giá chỉ có hơn 30 ngàn đồng được làm từ bột đá là vật liệu hoàn toàn có thể thay thế được cát tự nhiên, nên chăng cần chú ý.

“Nóng” chuyện cát xây dựng giá cao tại Huế: “đau đầu” tìm nguồn cung - 4

Nghị trường tỉnh Thừa Thiên Huế "nóng" với chuyện cát 

Đại Dương