Nỗi niềm đau đáu của ông “Đường bia”
(Dân trí) - Đằng sau “chất ngông” của một doanh nhân đầy bản lĩnh là một người lính sâu nặng nghĩa tình đồng đội và khát vọng về một cuộc sống chất lượng hơn cho người dân.
Thoạt đầu, mới nghe những gì ông Nguyễn Hữu Đường làm, không ít người nghĩ, doanh nhân này đang “chơi ngông”. Cũng có lý, khi mà Tập đoàn Hoà Bình do ông sáng lập và làm Tổng giám đốc, liên tiếp công bố những dự án bất động sản “độc nhất vô nhị”, khi dát vàng từ lan can căn hộ cho đến thiết bị nhà vệ sinh. Sau khi dát vàng bể bơi vô cực của khách sạn Vịnh vàng Đà Nẵng, ông Đường mới đây lại gây sốc khi ốp toàn bộ mặt ngoài khách sạn Hanoi Golden Lake bằng gạch phủ vàng, đồng thời, còn xây hẳn 8 căn hộ dát vàng dưới nước trong dự án khu nghỉ dưỡng biển Hoi An Golden Sea.
Nhưng, đằng sau “chất ngông” của một doanh nhân đầy bản lĩnh của một người lính quay về từ chiến trường ấy là khát khao xây dựng một đất nước Việt Nam phồn thịnh, một cộng đồng doanh nghiệp có thể cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ nước ngoài sừng sỏ. Sau khi rời quân ngũ, ông Đường có thời gian đạp xích lô bán bia hơi, rồi lập doanh nghiệp sản xuất malt bia, kinh doanh inox, sản xuất nước giải khát, rồi dấn thân vào lĩnh vực bất động sản đầy thách thức. Nhưng gần đây, Tập đoàn Hoà Bình đầu tư mạnh vào các dự án khách sạn, bởi ông Đường nhìn nhận Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn mà chưa được khai thác đúng mức.
Ông Đường dẫn chứng, Singapore chỉ có 5,3 triệu dân nhưng đón tới hơn 17 triệu khách du lịch vì có tổ hợp khách sạn Marina Bay Sands với bể bơi khổng lồ dài 151m trên đỉnh, Paris với tháp Eiffel đón gần 20 triệu khách mỗi năm. Trong khi đó, Việt Nam với lợi thế nhiều bãi biển đẹp nhất thế giới, di sản tự nhiên phong phú, nền văn hoá đậm đà bản sắc và có tới gần 100 triệu dân nhưng chỉ đón được hơn 15,5 triệu khách du lịch, quá ít so với tiềm năng.
“Để thu hút và gây ấn tượng mạnh với du khách, Việt Nam phải có cái gì độc đáo mà thế giới chưa có. Vì thế, tôi quyết định xây dựng một chuỗi dự án khách sạn dát vàng trở thành những điểm nhấn độc đáo, để mỗi du khách đến với Hà Nội, Đà Nẵng hay Hội An đều muốn lưu trú và check-in ít nhất một lần”, ông Đường cho biết.
Ông tâm sự, những người lính như ông từ các chiến trường trở về luôn học theo lời Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, luôn trăn trở làm thế nào để tiếp tục cống hiến cho đất nước vào thời hoà bình.
Đau đáu với suy nghĩ “không chết ở chiến trường, quyết không chết ở đời thường”, ông Đường cùng các đồng đội đã thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hoà Bình vào năm 1987 với chín thành viên, trong đó có bảy người là thương binh nặng và hai người là cựu chiến binh. Sau hơn ba thập kỷ, ba sáng lập viên đã trở thành liệt sỹ do vết thương chiến tranh tái phát nhưng những thành viên còn lại vẫn giữ ngọn lửa chiến đấu trên thương trường.
Tập đoàn Hoà Bình đã tham gia đầu tư và kinh doanh hầu hết các lĩnh vực như công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nặng, tiêu dùng, thương mại, xây dựng, với các công trình tiêu biểu như Tháp đôi Quốc tế Hoà Bình, chung cư cao cấp Hoà Bình Green Apartment và Hoà Bình Green City, và chuỗi khách sạn dát vàng là Danang Golden Bay, Hanoi Golden Lake và Hoi An Golden Sea. Ông Đường nói rằng, những công trình của Hoà Bình còn là lời tri ân đến những đồng đội đã ngã xuống. “Những người cựu chiến binh, thương binh như chúng tôi đều luôn đau đáu trong lòng rằng, khi nhắm mắt xuôi tay gặp lại những đồng đội đã hy sinh, anh em sẽ hỏi rằng các anh đã làm được gì cho đất nước trong khi chúng tôi hy vinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà chưa được hưởng hạnh phúc, bình yên”, ông tâm sự.
Mới đây, ông Đường lại gây sốc khi tuyên bố sẽ xây dựng một toà lâu đài dát vàng “độc nhất vô nhị trên thế giới” gần bãi biển An Bàng ở Hội An. Toà lâu đài có diện tích sử dụng 550m2, được trang bị nội thất như bồn tắm, chậu rửa mặt, van vòi hoa sen, gạch ốp lát… đều được phủ vàng ròng theo công nghệ của Đức với giá trị mỗi thiết bị có thể lên đến 100.000USD. Điểm đặc biệt chưa từng có của toà lâu đài này là mái được lợp bằng ngói phủ vàng 24 kara.
Những tưởng ông Đường sẽ “chơi ngông” một lần nữa khi tuyên bố sẽ bán đấu giá toà lâu đài này với giá khởi điểm 10 triệu USD thông qua Công ty Đấu gia Hợp danh Lạc Việt. Nhưng ông đã gây bất ngờ, và khiến mọi người xúc động, khi tuyên bố toàn bộ số tiền thu được từ đấu giá lâu đài dát vàng sẽ được sử dụng để làm từ thiện khắc phục hậu quả chiến tranh và hỗ trợ các gia đình thương bệnh binh, liệt sẽ ở hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Ngãi.
Đến nay, tổng số lao động của Tập đoàn Hoà Bình đã trên 2.000 người, trong đó phần lớn là thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh và con em các gia đình chính sách. Nhưng không chỉ sâu nặng nghĩa tình đồng đội, ông Đường còn đau đáu nỗi niềm làm sao giải quyết công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người dân ở khu vực xung quanh những dự án mà Tập đoàn đang đầu tư và kinh doanh. Hơn ai hết, ông Đường thấu hiểu được những lo toan và cơ cực của người dân vùng dự án.
“Như đối với dự án tại Hội An, chúng tôi sẽ mở hai con đường ở hai bên dự án để người dân vẫn có thể đi lại xuống biển dễ dàng hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng có chính sách ưu tiên tuyển dụng người dân và con em họ vào làm tại dự án. Những người trẻ tuổi có thể đào tạo làm công việc hành chính, lễ tân, dọn phòng, phục vụ bàn. Thậm chí những người có tuổi vẫn có thể làm những công việc như chăm sóc cây cối. Chúng tôi mong muốn người dân địa phương được làm việc trong một môi trường tốt hơn, thu nhập cao hơn”, ông Đường chia sẻ.
Là người nói là làm nên bất kể những gì ông Đường đã hứa đều đã thành hiện thực. Mỗi dự án đều là tâm huyết của ông và những người đồng đội vào sinh ra tử. Chắc chắn dự án Hội An sẽ là tiêu điểm thu hút khách du lịch và nền tảng đóng góp vào sự phát triển kinh tế của dải đất miền Trung.