Nhà thầu Việt đủ sức làm "người đi xây nhà cho thế giới"?

(Dân trí) - Lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, nhà thầu Việt Nam có tiềm năng để vươn ra thị trường xây dựng quốc tế với vai trò tổng thầu nhưng phải giải quyết nhiều hạn chế về giao tiếp, năng lực tài chính.

Xuất khẩu xây dựng nhưng không làm theo kiểu "hái lượm"

Tại buổi tọa đàm "Làm thế nào để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" tổ chức chiều 20/10 nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TPHCM (SACA), Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình (HBC) đồng thời là Chủ tịch SACA Lê Viết Hải nêu quan điểm ngành xây dựng Việt Nam buộc phải tiến ra nước ngoài khi thị trường trong nước ngày càng chật chội. 

Theo ông Hải, trước năm 1995, ngành xây dựng Việt Nam rất sơ khai, gần như đứng yên một chỗ. Nhưng trong 20 năm, giai đoạn 1995-2015, lĩnh vực xây dựng đã phát triển với tốc độ thần kỳ cùng với giai đoạn hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trong 3 năm 2017-2019, ngành xây dựng trong nước chững lại. Từ 2020 đến nay, do dịch bệnh Covid-19, thậm chí ngành xây dựng còn thụt lùi.

Chủ tịch SACA chia sẻ từng có giai đoạn các nhà thầu lớn của Việt Nam tăng trưởng tới 20-30%/năm nhờ sự tiến bộ về kỹ thuật, công nghệ, thay thế nhà thầu nước ngoài thi công các dự án lớn trong nước. Nhưng mặt trái là sau khi làm chủ thị trường, nhà thầu Việt lại không còn cơ hội cọ xát, học hỏi nếu chỉ quẩn quanh trong nước.

Quy mô thị trường xây dựng trong nước từ vật liệu, dịch vụ thi công, nội thất tổng cộng khoảng 60 tỷ USD. Trong khi thị trường xây dựng thế giới có quy mô lên đến 12.000 tỷ USD. Do đó, lãnh đạo SACA cho rằng chỉ cần Việt Nam lấy được 1% thị phần xây dựng toàn cầu, quy mô đã gấp đôi tổng giá trị các công trình trong nước.

Nhà thầu Việt đủ sức làm người đi xây nhà cho thế giới? - 1

Ông Lê Viết Hải khẳng định nếu không tiến ra thị trường quốc tế, các nhà thầu Việt Nam sẽ thụt lùi (Ảnh: HBC).

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc xuất khẩu xây dựng Việt Nam ra nước ngoài cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chứ không thể manh mún như trước đây. "Chúng ta không thể tiếp tục chỉ đi bán lẻ vật liệu xây dựng hay xuất khẩu lao động. Đó là nền kinh tế hái lượm, có cái gì bắt cái nấy", ông Hải chia sẻ.

Ông cho rằng, Việt Nam không thiếu kiến trúc sư (KTS) giỏi hay doanh nghiệp cung cấp vật liệu, nhà thầu có năng lực cạnh tranh. Mấu chốt để tiến ra thị trường nước ngoài nằm ở việc phải kết hợp các mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ xây dựng nhằm xuất khẩu sản phẩm xây dựng hoàn thiện từ đầu đến cuối với hàm lượng chất xám, giá trị lớn, đem lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước.

Ông Lê Viết Hải khẳng định, ngành xây dựng Việt Nam có nhiều lợi thế từ đội ngũ nhân lực kỹ sư dồi dào, chất lượng thi công, trình độ quản lý không thua kém các nhà thầu thế giới, thể hiện qua việc đảm nhận các dự án lớn trong nước. Đặc biệt, chi phí xây dựng nhà ở cao tầng của nhà thầu Việt Nam khoảng 400-500 USD/m2 nhưng ở các nước phát triển lên tới 1.500-2.000 USD/m2.

"Chúng ta có thể phát triển thành một quốc gia chuyên xây dựng nhà ở cho thế giới, mang sản phẩm xây dựng sang nước ngoài. Nếu trau dồi, rèn luyện nghề nghiệp, chúng ta không thua kém ai rèn luyện rất sâu thì ko thua kém ai", ông Hải tự tin khẳng định.

Nhà thầu Việt đủ sức làm người đi xây nhà cho thế giới? - 2

Ông Hải cho rằng việc thi công các công trình lớn như Landmark 81, Saigon Center là minh chứng cụ thể cho trình độ nhà thầu Việt Nam (Ảnh: Hải Long).

Nhiều hạn chế trước mắt

Tuy nhiên, để hoàn thành giấc mơ trở thành "người đi xây nhà cho thế giới", ngành xây dựng Việt Nam còn phải giải rất nhiều bài toán. 

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, để tiến ra quốc tế, nhân lực trong ngành xây dựng Việt Nam đầu tiên phải cải thiện khả năng ngoại ngữ. Thứ hai, khi làm việc tại nước ngoài, nhiều nhân sự Việt Nam thiếu sự tương tác chủ động, không thật sự hiểu đối tác ngoại muốn gì. Đây là thói quen làm việc phải thay đổi.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia các dự án quy hoạch, kiến trúc lớn trên thế giới, KTS Nam Sơn đưa ra lời khuyên doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nếu muốn ra nước ngoài phải đi cùng đối tác am hiểu thị trường sở tại. Nếu chưa thật sự hiểu thị trường bên ngoài mà muốn tự đi một mình, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro vì khung pháp lý, cách tổ chức giữa môi trường trong nước và quốc tế rất khác biệt.

Theo ông, cộng đồng người Việt ở nước ngoài lên đến hàng triệu người. Do đó, nhà thầu Việt Nam có thể hướng đến làm việc với các Việt kiều với những hợp đồng quy mô lớn đầu tiên bên ngoài Việt Nam.

Nhà thầu Việt đủ sức làm người đi xây nhà cho thế giới? - 3

Chuyên gia đánh giá nhân lực ngành xây dựng Việt Nam còn nhiều điểm hạn chế về ngoại ngữ, khả năng giao tiếp để vươn ra quốc tế (Ảnh: HBC).

Ông Lê Viết Hải cũng thừa nhận các nhà thầu Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm chinh chiến thị trường quốc tế, nhân lực yếu về ngoại ngữ, giao tiếp. Năng lực tài chính của nhà thầu Việt cũng rất hạn chế so với đồng nghiệp quốc tế. 

Song song đó, ngành xây dựng trong nước còn hạn chế về tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngành xây dựng trong nước không thiếu những người thợ kỹ năng nhưng lại không có chứng nhận tiêu chuẩn hay chứng chỉ hành nghề. Cuối cùng, các doanh nghiệp trong ngành còn rời rạc, chưa có sự liên kết trong cùng chuỗi giá trị ngành xây dựng.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch AA Corporation, một doanh nghiệp chuyên thi công nội thất đã trúng cầu dự án lớn ở nước ngoài nhiều năm nay đồng quan điểm nếu tạo ra hệ sinh thái, có tổng thầu Việt Nam thực hiện dự án tại thị trường nước ngoài, từng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí về tài chính, pháp lý, đàm phán. Khi đó, mỗi đơn vị sẽ nhận được giá trị gia tăng lớn hơn so với việc phải tự đấu thầu trong mảng riêng của mình.