Nhà đầu tư ngoại tham gia vào cuộc đua M&A bất động sản Việt Nam
(Dân trí) - M&A bất động sản tại thị trường Việt Nam đang được đánh giá cao về tiềm năng thu hút cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã góp mặt trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt nhất với kỳ vọng về dòng tiền sinh lời ổn định và lãi suất cao.
M&A bất động sản có nhiều tiềm năng
Tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 11 - năm 2019 vừa được tổ chức tại TPHCM, ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VSBS) nhận định rằng, thời gian tới, lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính có nhiều cơ hội khi xu hướng tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng... vốn còn nhiều tiềm năng đối với Việt Nam đang được nhà đầu tư quan tâm. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn cơ hội khi một số ngân hàng vẫn mở room cho nhà đầu tư chiến lược.
Ngoài ra, lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động này tại Việt Nam. Đồng thời, các lĩnh vực này còn có thể đón nhận những thương vụ quy mô hơn, nhất là thương vụ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, một số chuyên gia còn “tiên lượng” rằng, năm 2019 và thời gian tới nữa, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), với một thị trường dân số đông, dân số trẻ, hoạt động M&A trong lĩnh vực hàng tiêu dùng tại Việt Nam rất được quan tâm.
Thương vụ M&A có thể diễn ra với hình thức chuyển nhượng công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là thị phần đối với một số chủng loại hàng hóa.
Riêng đối với M&A bất động sản tại thị trường Việt Nam, lĩnh vực này đang được đánh giá cao về tiềm năng thu hút cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã góp mặt trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt nhất với kỳ vọng về dòng tiền sinh lời ổn định và lãi suất cao.
Thêm nữa, nền kinh tế vĩ mô ở Việt Nam tăng trưởng ổn định, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hóa cao cũng là các yếu tố thúc đẩy Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn nhất khu vực trong lĩnh vực này. Cho nên, M&A bất động sản theo đó đang đứng trước cơ hội “cất cánh” trong thời gian tới.
Thị trường định giá còn… “non trẻ”
Liên quan đến M&A bất động sản, tại diễn đàn cũng có nhiều ý kiến cho rằng trong quá trình cổ phần hóa vấn đề đất đai là rất quan trọng, cần được đánh giá một cách thận trọng và hiệu quả nhằm tránh tình trạng gây thất thoát, lãng phí. Hay nói cách khác, vấn đề định giá luôn được quan tâm.
Thế nhưng, điều đáng nói là thị trường định giá ở Việt Nam vẫn còn “non trẻ”. Minh chứng điển hình là hiện có nhiều công ty thẩm định giá cứ làm việc “cứng nhắc” theo quy trình nên rất nhiều trường hợp không chủ động xử lý được mà phải kiến nghị cho cơ quan nhà nước “cầm tay chỉ việc” vấn đề này làm như thế nào, vấn đề kia làm như thế nào.
Mặt khác, khi cơ quan chức năng đưa ra vấn đề mới thì không hề có công ty định giá nào quan tâm đến cơ chế của việc cổ phần hóa vốn đầu tư thay đổi. Cho nên, khi cơ quan chức năng giới thiệu việc này và buộc các công ty thẩm định giá phải tự chịu trách nhiệm về việc thẩm định thì nhiều đơn vị mới vỡ lẽ. Đó là chưa kể, có một thời kỳ, việc thẩm định giá chưa chú trọng nhiều đến chất lượng mà có xu hướng chạy theo số lượng.
Chính vì thị trường định giá của Việt Nam còn “non trẻ” nên cơ sở dữ liệu để so sánh còn hạn chế. Vì thế, việc cần làm là tìm hiểu, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn, định giá quốc tế muốn vào Việt Nam. Còn đối với những trường hợp mà các công ty không đủ điều kiện, không đủ cơ sở,… thì cần phải liên kết, kết hợp với những đơn vị khác để làm.
“Các công ty của chúng ta nếu không đủ điều kiện, không đủ cơ sở, không đủ chức năng thẩm định giá thì chúng ta phải đi kết hợp để làm. Tiêu chuẩn thẩm định giá ở cơ sở dữ liệu, còn chất lượng thẩm định giá ở con người và kinh nghiệm của người thẩm định giá đó, của cán bộ, thẩm định viên”, một đại biểu chia sẻ tại diễn đàn.
Công Quang