Nhà 5 gian bằng gỗ lim nguyên khối của thợ may “đệ nhất” Hà Thành xưa

(Dân trí) - Ngôi nhà gỗ 5 gian của cô Chu Thị Thảo (58 tuổi), tại làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được làm bằng gỗ lim nguyên khối, chạm khắc hoa văn tinh xảo bởi những người thợ nức tiếng.

Ngôi làng toàn biệt thự Pháp cổ của những thợ may “đệ nhất Hà Thành” xưa

Trải qua nhiều thăng trầm biến động của lịch sử, đến nay làng Cựu vẫn còn lưu giữ, bảo tồn được nhiều ngôi nhà cổ với tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Hầu hết các công trình này đều được xây dựng theo kiến trúc Pháp, hoặc nhà truyền thống Bắc Bộ. 

Nổi bật trong số này phải kể đến ngôi nhà gỗ 5 gian 100 tuổi của gia đình cô Chu Thị Thảo (58 tuổi). Ngôi nhà nằm giữa khuôn viên rộng 400 m2, bên phải là bếp và bên trái là mảnh vườn nhỏ trồng bưởi.

Chia sẻ với Dân trí, cô Thảo cho hay, ngôi nhà được xây dựng vào năm 1930, bởi cụ Lê Minh Thảo, một người thợ may comple nức tiếng của làng Cựu.

Nhà 5 gian bằng gỗ lim nguyên khối của thợ may “đệ nhất” Hà Thành xưa - 1

Cổng nhà được xây dựng theo phong cách biệt thự Pháp.

Nhà 5 gian bằng gỗ lim nguyên khối của thợ may “đệ nhất” Hà Thành xưa - 2

Bên trong là khuôn viên rộng 400 m2 với khu vườn xanh mát cây cối. 

Nhà 5 gian bằng gỗ lim nguyên khối của thợ may “đệ nhất” Hà Thành xưa - 3

Phía bên phải ngôi nhà là bếp nấu ăn, đến nay đã được cơi nới, xây dựng lại một phần. 

Điểm độc đáo của ngôi nhà là toàn bộ hệ thống khung gỗ bao gồm kèo, xà, cột, đấu củng đều được làm từ gỗ lim nguyên khối và chạm khắc tinh xảo bởi những người thợ có tiếng. Phần mái nhà được lợp mái mũi hài.

Do được xây dựng đã lâu nên nhiều hạng mục của công trình đã bắt đầu xuống cấp, phần mái xảy ra hiện tượng thấm dột mỗi khi trời mưa to. 

“Tại làng Cựu, phải đến 90% nhà ở đều xây theo kiểu Pháp và rất ít nhà dựng theo lối kẻ truyền. Theo như lời kể lại của thế hệ đi trước, ông nội tôi là người có suy nghĩ cấp tiến, vừa muốn xây nhà theo kiểu Tây, nhưng vẫn phải mang dấu ấn truyền thống người Việt. Vì vậy, công trình mới có kiến trúc giao thoa độc đáo như vậy", cô Thảo kể. 

Nhà 5 gian bằng gỗ lim nguyên khối của thợ may “đệ nhất” Hà Thành xưa - 4
Phần mái đã hư hỏng nặng và bị dột mỗi khi trời mưa.
Nhà 5 gian bằng gỗ lim nguyên khối của thợ may “đệ nhất” Hà Thành xưa - 5

Các họa tiết trang trí tinh xảo, đẹp hiếm có

Cô Thảo chia sẻ, trong nhiều năm qua có khá nhiều người đến hỏi mua  bộ khung nhà. Nhiều người trong số này trả giá cao lên tới cả bạc tỷ song gia đình không đồng ý bán.

"Có người yêu thích căn nhà đến nỗi họ đi đi về về thuyết phục gia đình tôi cả tháng. Mỗi lần tới đặt vấn đề sang nhượng họ lại nâng giá cao hơn lần trước. Tuy nhiên đây là nhà ông cha để lại, nên gia đình vẫn quyết giữ gìn để cho thế hệ sau hiểu hơn về văn hóa truyền thống", cô Thảo khẳng định. 

Nhà 5 gian bằng gỗ lim nguyên khối của thợ may “đệ nhất” Hà Thành xưa - 6

Hiện tại, làng Cựu vẫn còn lưu giữ khoảng hơn 40 nhà cổ có kiến trúc độc đáo

Nằm ven theo sông Châu Giang, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, làng Cựu xưa kia vốn là một vùng quê thuần nông, với nghề chính trồng lúa.

Vào đầu thế 20, làng Cựu đã phải chứng kiến một trận đại hỏa hoạn, thiêu rụi tới một nửa làng. Người làng Cựu phải bươn chải ra các đô thị lớn để kiếm sống. Từ đây, với bàn tay tài hoa, người làng Cựu đã trở thành những thợ may “đệ nhất Hà thành”.

Nhà 5 gian bằng gỗ lim nguyên khối của thợ may “đệ nhất” Hà Thành xưa - 7

Hầu hết các công trình này đều được xây dựng theo kiến trúc Pháp, hoặc nhà truyền thống Bắc Bộ. 

Ông Nguyễn Quang Huy, vị trưởng thôn trẻ nhất trong lịch sử làng Cựu tự hào: “Trong những năm 1920 - 1940, nhờ giỏi may vá và học hỏi từ Pháp, người dân làng Cựu đã trở nên nổi tiếng khắp miền Bắc nhờ nghề may comple cho đàn ông và may đầm cho phụ nữ”. Trong đó, có những nhà may vang tiếng như Đức Lợi, Phúc Mỹ, Phúc Hưng...

Vào thời điểm này, kiến trúc Pháp rất thịnh hành tại Hà Nội, nên khi về quê xây dựng nhà cửa, dân làng Cựu lựa chọn dựng nhà theo kiến trúc Pháp, kết hợp với các yếu tố truyền thống của Việt Nam.

Nhà 5 gian bằng gỗ lim nguyên khối của thợ may “đệ nhất” Hà Thành xưa - 8

Tuy nhiên, nhiều căn nhà cổ trong số này luôn trong tình trạng khóa cửa, bỏ không hàng chục năm nay. 

Trưởng thôn làng Cựu cho biết, một số nhà giàu có thì bỏ tiền thuê kiến trúc sư người Pháp, còn gia đình có tiềm lực tài chính yếu hơn thì học tập nhà khác để xây dựng theo.

Cho đến nay, ngoài nhà cổ của gia đình cô Chu Thị Thảo, làng Cựu vẫn còn giữ được khoảng 40 nóc nhà cổ, rêu phong, cổ kính được xây dựng từ 70 - 80 năm trước.

Tuy nhiên, nhiều căn nhà cổ trong số này luôn trong tình trạng khóa cửa, bỏ không hàng chục năm nay, do con cháu đã di cư lên Hà Nội sống và làm việc. 

Việt Vũ

Ảnh: Vũ Đức Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm