Người trẻ Sài Gòn : “Cày” tối mặt tậu nhà “tiền tỷ”
(Dân trí) - Ai cũng mong được an cư lạc nghiệp, nhưng giá nhà quá đắt tại thành phố khiến nhiều người trẻ chùn chân, đành chấp nhận “số phận” đi ở nhà thuê dài hạn. Nhiều bạn trẻ xuất thân từ tỉnh lẻ lên Sài Gòn liên tục “cày” không ngừng nghỉ từ hai bàn tay trắng. Họ nỗ lực hết mình từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi đi làm, đồng thời vận động vốn từ bạn bè, người thân, vay ngân hàng… cho giấc mơ an cư lạc nghiệp.
35 tuổi… vẫn chưa có nhà
Báo cáo mới nhất của Nielsen cho biết, 72% người trẻ từ 25-35 tuổi ở Sài Gòn vẫn chưa thể sở hữu một căn nhà do giá nhà quá cao so với mức thu nhập của người lao động. Thống kê mới nhất của CBRE trong năm 2018 cũng cho biết: Trung bình mỗi năm thu nhập người lao động tại Thành Phố Hồ Chí Minh tăng khoảng 5% -10%. Trong khi đó giá nhà đất trong 5 năm gần đây tăng 30% -50% mỗi năm, riêng căn hộ chung cư có tốc độ tăng giá 10 %-15% mỗi năm. Tính ra mức tăng lương của giới văn phòng tại Sài Gòn, khó có thể theo kịp tốc độ tăng giá của nhà đất. Và ước mơ có nhà của người trẻ sẽ rất xa vời. Không có nhà ở Sài Gòn, cuộc sống của họ được gói gọn bằng 2 chữ “tạm bợ” vì không an cư sao lạc nghiệp.
Một khảo sát 10,000 bạn trẻ văn phòng thuộc lứa tuổi 9x có thu nhập khoảng 1.000 USD/tháng tại Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết: 72% số người được khảo sát, cho biết mục tiêu lớn nhất cho đến 30 tuổi là phải có được một căn hộ tại Sài Gòn. Tuy nhiên, điều đáng chú ý có tới 62% số người được khảo sát này cho biết, ngôi nhà mà họ cần ở Sài Gòn không phải thứ gì quá cao sang, chỉ là một căn nhà nhỏ xinh, đầy đủ tiện nghi để các bạn cảm thấy thực sự thoải mái, muốn trở về sau mỗi giờ làm căng thẳng.
Cày tối mặt mua nhà “tiền tỷ”
Nam Anh, 28 tuổi, là trưởng bộ phận event của một agency truyền thông trụ sở tại Quận 3, có thu nhập 18 triệu/tháng; đây là mức thu nhập được xem là khá của một nhân viên văn phòng tại Sài Gòn. Sáu năm đi làm, hiện tại Nam Anh thuê một căn hộ gần công ty cùng với bạn. Căn hộ khá tiện nghi, nhưng Nam Anh vẫn cảm thấy chông chênh: “Gần 30 tuổi, chưa sở hữu nổi một căn nhà ở Sài Gòn, lâu lâu ba mẹ người yêu lên chơi cũng không dám mời qua vì ngại, rồi chưa có được căn nhà, mình cũng chẳng có nổi dũng khí để lập gia đình nữa, người yêu thì tuổi xuân có hạn, cũng xót cho cô ấy, thà mình độc thân thì tạm bợ sao cũng được nhưng lấy nhau về rồi đi ở nhà thuê còn khổ hơn nữa”.
Nam Anh cho biết, đi làm 6 năm tích cóp được 300 triệu. Có tiền, Anh cũng bắt đầu đi tìm nhà để mua, anh chẳng dám mơ nhà phố đất nền, cũng chẳng dám mơ nhà ở trung tâm hay những khu nhà giàu như Quận 2, Quận 7. Nhưng căn hộ Nhà Bè, Thủ Đức, Quận 9 hay Gò Vấp… nhỏ nhất giá cũng cỡ 1 tỷ 5; trừ khoản tiền đã có, nếu vay ngân hàng 70% trong chục năm, mỗi tháng Nam Anh phải trả 13-14 triệu/tháng, thu nhập của Nam Anh không kham nổi.
Hồng Thuỷ, 26 tuổi, thu nhập tháng gần 20 triệu, tích cóp được 400 triệu, Thuỷ cố gắng gồng mình vay mượn thêm ngân hàng mua một căn hộ 60 m2 trị giá 1 tỷ 6 ở Bình Chánh. Vay hơn 1 tỷ, mỗi tháng Thuỷ phải trả tới 14 triệu đồng. 6 triệu đồng còn dư lại mỗi tháng, không đủ để Thuỷ sống giữa thành phố đắt đỏ này với cơm, áo, gạo, tiền.
Nam Anh, Hồng Thuỷ là 2 trong gần 2 triệu những người trẻ nhập cư, sở hữu mức thu nhập khá, nhưng giá nhà Sài Gòn quá cao nên phải chấp nhận cuộc sống chông chênh. Thứ mà Nam Anh hay Hồng Thuỷ cần ở Sài Gòn không phải thứ gì quá cao sang, chỉ là một căn nhà nhỏ xinh, đầy đủ tiện nghi để các bạn cảm thấy thực sự thoải mái, muốn trở về sau mỗi giờ làm căng thẳng.
Có thể thấy, quan điểm "an cư lạc nghiệp" vẫn nằm trong top ưu tiên của người Việt Nam bởi sở hữu một căn nhà mang ý nghĩa ổn định, khẳng định sự trưởng thành cho mỗi người. Và trên thực tế, căn nhà chính là nền móng cho một tổ ấm tương lai vững chắc. Thử tưởng tượng khi bạn lập gia đình và có kế hoạch sinh con nhưng vẫn phải chen chúc trong dãy nhà trọ chật chội, hay khi bạn đã trưởng thành và muốn tìm cho mình một khoảng không gian riêng để có thể tự do làm điều mình thích.
Thu Hiền