TPHCM

Người giàu chọn căn hộ hạng sang, dân nghèo nhà ở xã hội cũng khó mua

(Dân trí) - Người có thu nhập cao và người có thu nhập khá có khả năng tự giải quyết nhu cầu nhà ở của mình và đặt ra các yêu cầu rất cao. Trong khi đó, người có thu nhập thấp rất khó tiếp cận với các sản phẩm nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội do nguồn cung ít.

Người giàu chọn căn hộ hạng sang, dân nghèo nhà ở xã hội cũng khó mua - 1

Khi quyết định mua nhà, thì người thu nhập thấp có thể để dành đến 40-50% thu nhập hàng tháng để chi trả.

Tỷ lệ nhà chung cư tăng lên rõ rệt

Báo cáo vừa được Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tổng hợp cho thấy, theo kết quả điều tra dân số thành phố tại thời điểm 1/4/2019, dân số TPHCM có 8.993.082 người thường trú (kể cả người có đăng ký tạm trú trên 06 tháng).

So với dân số năm 2009 có 7.162.864 người, thì dân số thành phố đã tăng 1.830.218 người, trung bình tăng 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây. Kết quả điều tra dân số không bao gồm người tạm trú ngắn hạn và vãng lai.

Theo số liệu thống kê năm 2016 của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có 1.675.810 căn nhà, với tổng diện tích sàn xây dựng 150,55 triệu m2. Nhà chung cư có 1.440 khối (block) nhà, với 141.062 căn hộ, chiếm 8,4% trong tổng số nhà ở toàn thành phố, với tổng diện tích sàn 10.645.970 m2, diện tích bình quân căn hộ là 75 m2.

"Xu thế phát triển nhà chung cư ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, phù hợp với định hướng phát triển đô thị đối với đô thị đặc biệt. Trước đây, tỷ lệ nhà chung cư chỉ 3-10% trong các dự án phát triển nhà ở mới. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ nhà chung cư tăng lên rõ rệt, chiếm 24,6% trong các dự án nhà ở mới", HoREA cho hay.

Giàu chọn căn hộ hạng sang, nghèo nhà ở xã hội cũng khó mua

Theo khảo sát, diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố, năm 2018 đạt 19,75 m2/người, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân cả nước là 25 m2/người.

HoREA dẫn khảo sát của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Xoan (Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM) cho biết, nhà có diện tích nhỏ dưới 60 m2 chiếm tỷ lệ đến 82% trong tổng số nhà ở trên địa bàn thành phố, trong đó diện tích 31-60 m2 chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 40%.

Theo báo cáo của HoREA, người có thu nhập cao và người có thu nhập khá có khả năng tự giải quyết nhu cầu nhà ở của mình và đặt ra các yêu cầu rất cao đối với sản phẩm nhà ở cao cấp, hạng sang trong các khu nhà ở cao cấp, khu nhà ở biệt lập (compound), hoặc nhà ở trung cao cấp, thân thiện môi trường, có đầy đủ tiện ích, dịch vụ và các doanh nghiệp bất động sản phải nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu này. 

Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội vẫn rất lớn. Theo khảo sát của Sở Xây dựng, thành phố có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ).

Theo một khảo sát khác của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong các đối tượng khảo sát thì có đến 65% đến 94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội.

Báo cáo của HoREA cho hay, người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng hơn 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhất là loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm.

Người nghèo có thể để dành một nửa thu nhập mua nhà 

Đánh giá về xu hướng mua nhà của các đối tượng có thu nhập thấp, Thạc sĩ Nguyễn Thỵ Hải Ly - nguyên Phó Trưởng phòng Phát triển đô thị Sở Xây dựng đã khảo sát (mẫu) 298 đối tượng có thu nhập thấp (năm 2012) thì xu hướng mua nhà của các đối tượng này.

Kết quả cho thấy, có 39,3% lựa chọn tạo lập nhà liền thổ ở các quận ven, huyện ngoại thành. Đáng chú ý, 43% ở chung nhà với cha mẹ, người thân nhưng đang tích lũy vốn chờ cơ hội mua nhà. Điểm đặc sắc nổi bật là khi quyết định mua nhà, thì người thu nhập thấp có thể để dành đến 40-50% thu nhập hàng tháng để chi trả (cao hơn mức bình quân 20-30% của thế giới).

Một số rào cản đối với người có thu nhập thấp đô thị khi tạo lập nhà ở được HoREA chỉ ra rằng, thị trường hiện đang thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ) có giá vừa túi tiền (khoảng 2 tỷ đồng trở lại); thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp.

Trong khi đó, giá nhà cao, gấp từ 20-25 lần so với thu nhập bình quân. Trong lúc ở các nước phát triển thì giá nhà chỉ gấp từ 5-7 lần thu nhập bình quân.

Về phía Nhà nước cũng chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên, ngoại trừ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã ngừng triển khai từ lâu.

Riêng TPHCM đang thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho một số đối tượng cán bộ công chức, viên chức nhà nước, với suất được vay lên đến 900 triệu đồng, lãi suất vay 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm để mua nhà (Suất vay năm 2006 là 400 triệu đồng, sau lên 600 triệu đồng và hiện nay là 900 triệu đồng). Đến nay, đã giải ngân được khoảng 1.500 tỷ đồng cho hơn 4.000 người (chủ yếu là ngành y tế, giáo dục).

"Chính sách này cần được nhân rộng, nếu trở thành chính sách chung, áp dụng cho tất cả đối tượng có thu nhập thấp tạo lập căn nhà đầu tiên (thuộc loại nhà có giá vừa túi tiền) thì sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở", HoREA bình luận.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho hay, tổng số hộ cận nghèo và hộ nghèo đã giảm mạnh trong 10 năm qua, nhưng vẫn còn khoảng 26.600 hộ, chiếm tỷ lệ 1,36% đang ở trong các căn nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ trên và ven kênh rạch, trong các khu vực lụp xụp, chung cư cũ hư hỏng nặng rất cần được cải thiện nhà ở và môi trường sống.

 Phương Dung