Giới trẻ chật vật mua nhà
Không có đủ vốn, sợ áp lực khoản nợ từ vay ngân hàng, lo lắng gặp phải dự án không tốt… thậm chí nếu vượt qua được những tâm lý này thì việc tìm được nguồn hàng phù hợp cũng không dễ.
Đó là những lý do khiến nhiều người trẻ mãi không thể thực hiện giấc mơ an cư tại TP.HCM.
Giá nhà tăng mạnh
Tổng thu nhập của cả hai vợ chồng vào khoảng 30 triệu/tháng nhưng anh Phúc (Hà Đông, Hà Nội) vẫn chấp nhận ở trọ do không dám liều lĩnh vay ngân hàng mua nhà.
Theo anh, mỗi tháng tốn tiền học cho con, tiền sinh hoạt, tiền gửi cho hai bên nội ngoại nên khoản dư lại không còn là bao. Nếu vay ngân hàng, tháng trả 10-15 triệu thì khi phát sinh việc bất ngờ, hai vợ chồng sẽ khó có đường xoay sở. Mức chi phí 15 triệu cũng vượt quá khả năng hiện tại của gia đình anh.
“Mấy năm trước có dự án bán giá tầm 900 triệu - 1,2 tỷ/căn nhưng mình do dự không quyết, giờ không còn tìm đâu căn hộ có giá đó. Một số dự án NOXH rao bán mình có đăng ký nhưng không hiểu sao chẳng bao giờ mua được”, anh Phúc cho hay.
Ngược lại với anh Phúc, với vốn liếng chỉ có 600 triệu đồng, bỏ ra mua một căn hộ giá 1,7 tỷ đồng là điều khá rủi ro nhưng anh Nguyễn Mạnh Hùng (Phú Hữu, quận 9) cho rằng đây là quyết định mua nhà khôn ngoan nhất của vợ chồng anh.
Cả hai vợ chồng đều là nhân viên văn phòng, lương không cao nhưng ổn định nên mới dám quyết định vay hơn 2/3 giá trị căn nhà. “Thà đi vay rồi trả dần chứ nếu đợi gom đủ 1,7 tỷ thì cũng không mua được căn nhà này”, anh Hùng cho biết.
Điều anh Hùng nói là hoàn toàn có cơ sở khi căn hộ 63m2 vợ chồng anh đang ở hiện giá bán thứ cấp đã tăng lên 2,3 tỷ đồng sau 3 năm. Hầu hết các dự án chào bán trên tuyến đường này đều đã chạm mức 34-36 triệu/m2, thay vì mức 26 triệu/m2 anh mua năm 2017.
Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam từng cho rằng: “Với nhóm người trẻ, tiền tích luỹ chưa nhiều thì nên cân nhắc khả năng mua nhà, không nhất thiết phải dốc hết tiền mua nếu vẫn có thể tìm được chỗ ở hợp lý như thuê nhà với giá phù hợp, tại nơi thuận tiện cho công việc của mình”.
Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM, nếu đợi tích lũy đủ tài chính, người mua sẽ khó sở hữu nhà khi giá bán liên tục tăng qua các năm. Nếu không kiên quyết và có chút liều lĩnh sẽ rất khó để sở hữu nhà tại các thành phố lớn, nhất là TP.HCM.
Có một thực tế là mặt bằng thu nhập của người trẻ chưa thể đáp ứng được với giá nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Giá một căn hộ chung cư tại Hà Nội dao động trung bình từ 20-33 triệu/m2, TP.HCM vào khoảng 33-37 triệu/m2. Trái lại, mặt bằng thu nhập bình quân của người Việt năm 2018 là 2.587 USD, bình quân trên 5,5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này mỗi năm tăng không đáng là bao trong khi giá nhà luôn tăng mạnh.
Cần cơ chế đặc thù
Theo số liệu báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn, trong 6 tháng đầu năm 2019, giá căn hộ tại TP.HCM tăng trung bình 18% so với cùng kỳ năm trước. Riêng giá bán phân khúc căn hộ trong quý 2 năm nay tăng thêm 11,3% so với quý 2/2018. Dù trên địa bàn TP.HCM có những dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ hướng đến đối tượng khách hàng này nhưng số lượng cũng chỉ nhỏ giọt so với nhu cầu của người dân.
Còn theo số liệu của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), nguồn cung căn hộ bình dân tiếp tục giảm 34,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trên thực tế, rổ hàng căn hộ hạng C sụt giảm khá mạnh qua các quý. Nếu như trong quý 1/2018, căn hộ hạng C chiếm 32% thì con số này giảm còn 29% trong quý 2 và sang quý 3 thị trường không có dự án căn hộ hạng C nào được chào bán.
Tình hình khan hiếm căn hộ hạng C được dự báo có thể kéo dài sang những tháng tiếp theo khi 6 tháng đầu năm nay không có một dự án nào triển khai. Cùng với sự sụt giảm về nguồn cung, giá căn hộ hạng C cũng điều chỉnh lên mức 1.000 USD/m2, tăng thêm 200 USD/m2 so với mức giá năm 2018.
Số liệu thống kê của HoREA cũng cho thấy hiện nay quy mô dân số thành phố đã lên đến gần 13 triệu người, nhưng trong số liệu thống kê chính thức thì chỉ có 8,3 triệu người. Trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số, có hơn 400.000 sinh viên; hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới.
Dự báo nhu cầu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ trên địa bàn thành phố trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn.
Câu chuyện bất động sản phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân trong đó có giới trẻ là một bài toán đã được đặt ra từ rất lâu. Nhưng khó ở chỗ, những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM chi phí đầu vào khi đầu tư dự án rất lớn, làm ảnh hưởng đến giá thành đầu ra.
"Nhà nước muốn ưu tiên phát triển phân khúc nhà vừa túi tiền cho người dân thì cần có những cơ chế khuyến khích và đặc thù hơn cho các phân khúc đó" - đại diện HoREA nhấn mạnh.
Theo Phương Uyên
Diễn đàn Doanh nghiệp