Nghịch lý ở Việt Nam: Đáng lẽ người nghèo phải ở trung tâm, nhà giàu sống xa thành phố

(Dân trí) - Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng phân bố dân cư và đô thị ở Việt Nam khác với thế giới. Ở các nước khác, người nghèo ở ngay trung tâm vì họ không có phương tiện đi lại, còn người giàu ở khu vùng ven. Trong khi đó, Việt Nam thì ngược lại.

Nghịch lý ở Việt Nam: Đáng lẽ người nghèo phải ở trung tâm, nhà giàu sống xa thành phố - 1
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa (ở giữa) nhấn mạnh: Rất lạ trong quy hoạch đô thị Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn "Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020" vừa diễn ra tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa đã dẫn lời một nhà kiến trúc sư người Úc khi nói về quy hoạch đô thị ở Việt Nam. Theo đó, ông này cho rằng quy hoạch ở đô thị Việt Nam “rất lạ".

Ông Lê Xuân Nghĩa nói: Phân bố dân cư và quy hoạch đô thị ở Việt Nam ngược với thế giới. Ở các nước khác thì người nghèo ở trung tâm vì không có phương tiện đi lại, chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, người giàu đi ra bên ngoài, ở vùng ven vì sẵn phương tiện đi lại.

Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, ông Nghĩa cho biết: Người nghèo thì chạy thật xa, người không có phương tiện phải dùng phương tiện công cộng thì ở vùng ven. Còn người giàu thì ở ngay trung tâm.

“10 năm tới kẹt xe ở Hà Nội, TP.HCM quá khủng khiếp, thậm chí có thể nói lại vô phương cứu chữa”, ông Nghĩa nhấn mạnh: Rất lạ vì quy hoạch đô thị Việt Nam lại quy hoạch như vậy.

Trở lại với thị trường bất động sản vùng ven, ông Nghĩa cho rằng, tốc độ tăng giá vùng ven đô sẽ nhanh hơn ở nội đô, chi phí xây dựng thấp hơn nên triển vọng đầu tư tốt.

“Chúng ta thấy ở các đô thị lớn như TP.HCM thì tốc độ phát triển ven đô mạnh do dòng người nhập cư lớn. Còn ở các tỉnh lẻ thì cẩn thận vì chưa chắc theo xu hướng này”, ông Nghĩa lưu ý.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng cho biết, khi quỹ đất khan hiếm, sản phẩm không có, người mua tiềm năng nhiều, không có nhiều lựa chọn dẫn đến xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh vùng ven. Ở các địa phương như Bình Thuận, Cần Thơ, Hội An, Quảng Nam – Đà Nẵng… giá ở vùng ven đã tăng hơn gấp đôi.

“Về nguyên tắc, bất động sản những khu vực nào có người đến đông thì bất động sản khu vực đó tăng cao. Dự báo lượng người về sinh sống, làm ăn, giao lưu kết nối sai đồng nghĩa việc đầu tư bất động sản ở khu vực đó sẽ thất bại ở cả nhà đầu tư lẫn người mua ở”, ông Cường lưu ý.

Bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc JLL Việt Nam thị trường Hà Nội cũng cho rằng sự phát triển vùng ven là sự phát triển tự nhiên, khi nội đô đã quá chật chội, quỹ đất hạn chế, giá cao, các nhà đầu tư muốn tìm các giải pháp với chi phí đầu tư thấp hơn.

Bên cạnh đó, theo bà này, dân số Việt Nam là dân số trẻ, nếu cặp vợ chồng mới kết hôn chưa có tích luỹ nhiều thì gặp khó khăn nhất định trong việc mua một căn nhà trong nội độ. Do đó, phát triển ra ven đô là xu hướng tự nhiên. Đây là diễn biến tất yếu của thị trường, chỉ là đến nhanh hay chậm.

Tuy nhiên theo bà Vân, phát triển ra vùng ven vẫn gặp hạn chế nhất định, đó là bởi hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế. Thời gian trước, khoảng năm 2008-2010 khu vực Hà Đông bùng nổ, nhiều người mua nhà ở đó. Nhưng nếu đi làm từ Hà Đông lên Hoàn Kiếm thì mất thời gian, khó khăn trong đi lại.

“Vùng ven có tiềm năng, xu hướng tất yếu nhưng chưa thực sự bùng nổ vì cần phải giải quyết bài toán về cơ sở hạ tầng và giao thông”, bà Vân nhấn mạnh.

Nguyễn Mạnh

Nghịch lý ở Việt Nam: Đáng lẽ người nghèo phải ở trung tâm, nhà giàu sống xa thành phố - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm