Ngày tết Thiếu nhi ở Nhật Bản

PV

(Dân trí) - Ngày tết Thiếu nhi mang ý nghĩa cầu mong hạnh phúc, bình an đến với các bạn nhỏ tại Nhật Bản.

Nếu bạn ghé thăm Nhật Bản trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4 tới tháng 5, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức và trải nghiệm "Tuần lễ vàng" với chuỗi 4 sự kiện quan trọng. Đó là ngày kỷ niệm sinh nhật của Thiên hoàng Showa ( 29/4), Ngày Hiến pháp ( 3/5), Ngày Xanh (4/5) và tết Thiếu nhi ( 5/5).

Ngày tết Thiếu nhi ở Nhật Bản - 1

Tết Thiếu nhi diễn ra vào ngày 5/5 (Ảnh: Japagazine). 

Đặc biệt vào ngày tết Thiếu nhi, một cảnh tượng độc đáo khi đường phố được trang hoàng với hàng ngàn chiếc đèn lồng cá chép sặc sỡ sắc màu cùng với không gian lễ hội nhộn nhịp sẽ là điều mà du khách không thể bỏ qua. Vậy ngày tết Thiếu nhi - Kodomo no hi tại Nhật Bản có gì đặc biệt hơn ngày tết thiếu nhi tại các quốc gia khác? Chúng ta hãy cùng khám phá trong bài viết lần này.

1. Nguồn gốc của ngày trẻ em ở Nhật

Ban đầu, tại Nhật Bản, ngày 5/5 được biết tới là Tango no sekku (端午の節句) - trong khi các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và HongKong gọi đây là ngày tết Đoan Ngọ.

Đây là ngày đánh dấu sự chuyển mình từ mùa xuân sang mùa hè, đồng thời cũng là khoảng thời gian dễ phát sinh dịch bệnh. Bắt nguồn từ những phong tục, nghi lễ được tiến hành trong dịp lễ tết Đoan ngọ của Trung Quốc, gia đình Nhật hoàng và giới quý tộc triều đình cũng tổ chức việc phân phát lá thuốc phòng bệnh, hay tổ chức những buổi lễ phi ngựa bắn cung nhằm xua đuổi tà ma ác quỷ.

Ngày tết Thiếu nhi ở Nhật Bản - 2

Kodomo no hi - tết Thiếu nhi với ý nghĩa cầu mong hạnh phúc, bình an đến với các bạn nhỏ (Ảnh: Japagazine). 

Đến thời Kamakura (1185-1333), các gia đình Samurai lại treo những lá cờ (Nobori), mũ giáp (Kabuto), hay những vũ khí chiến đấu trước nhà, còn người dân thì thay thế bằng những mũ giáp và hình nộm Samurai to lớn, dũng mãnh được làm từ giấy với những hình ảnh của nhân vật lịch sử như anh hùng Benkei, Yoshitsune dũng mãnh, nhằm cầu mong sự che chở, bảo vệ mọi người trong gia đình khỏi những tại họa, bệnh tật.

Thực chất, ngày 5/5 hàng năm là ngày của các bé trai, và ngày 3/3 là ngày dành cho các bé gái. Tuy nhiên, vào năm 1948, chính phủ đã đổi tên chính thức cho ngày này là Kodomo no hi - tết Thiếu nhi với ý nghĩa cầu mong hạnh phúc, bình an đến với các bạn nhỏ, đồng thời cũng là tránh sự phân biệt giới tính giữa nam và nữ tại Nhật Bản.

2. Biểu tượng đèn lồng cá chép:

Một biểu tượng không thể thiếu và cũng là quan trọng nhất trong ngày Kodomo no hi tại Nhật Bản là những chiếc đèn lồng cá chép đầy sắc màu - Koinobori, trong đó, Koi có nghĩa là cá chép, Nobori mang nghĩa là đèn lồng.

Ngày tết Thiếu nhi ở Nhật Bản - 3

Những chiếc đèn lồng cá chép đầy sắc màu (Ảnh: Japagazine). 

Nguồn gốc của "vị sứ giả" này bắt nguồn từ truyền thuyết cổ của Trung Quốc, khi loài cá chép đã trải qua một chặng đường gian nan, vượt qua sông Hoàng Hà để hóa rồng.

Vì vậy, hình ảnh cá chép vượt vũ môn đã trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm, sự kiên trì, không ngại khó khăn để vươn tới thành công, và đó cũng là những ước mong mà người dân Nhật Bản muốn gửi gắm tới các em bé - thế hệ tương lai của đất nước.

Việc treo đèn lồng cá chép từ đó đã trở thành một tục lệ không thể thiếu trong ngày tết thiếu nhi 5/5 trên khắp đất nước Nhật Bản. Vào năm 1988, lần đầu tiên, người Nhật đã tạo ra chiếc đèn lồng Koinobori với kích thước khổng lồ: chiều dài lên tới 100m, trọng lượng nặng tới 350kg.

Ngày tết Thiếu nhi ở Nhật Bản - 4

Hình ảnh cá chép vượt vũ môn đã trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm, sự kiên trì, không ngại khó khăn (Ảnh: Japagazine). 

Thông thường, các gia đình tại đất nước mặt trời mọc treo đèn cá chép trên chiếc sào hoặc cột cao tới 3m, với 3 chiếc đèn lồng có 3 màu sắc khác nhau theo thứ tự là màu đen, đỏ và xanh với ý nghĩa khác nhau:

- Màu đen biểu hiện cho mặt nước mùa đông tĩnh lặng, nước cũng là nơi bắt nguồn của mọi sự sống. Đây làm màu tượng trưng cho người cha được biết tới là "magoi" (真鯉) với tích cách trầm tĩnh, kiên nhẫn.

- Màu đỏ là màu lửa vào mùa hạ, màu tượng trưng cho người mẹ (higoi, 緋鯉). Mùa hạ là mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài, và lửa làm cho vạn vật sinh trưởng dồi dào, cũng là biểu hiện cho trí tuệ.

- Màu xanh là màu của cây cỏ mùa xuân đâm chồi nảy lộc, biểu hiện cho sự phát triển của trẻ em.

3. Ngày trẻ em được tổ chức như thế nào

Để chuẩn bị cho ngày lễ đặc biệt này, công tác tổ chức và chuẩn bị đã được thực hiện trước đó vài ngày, thậm chí là vài tuần. Những chiếc đèn lồng cá chép đặc trưng không chỉ được treo trước cửa mỗi gia đình, đầu ngõ, mà trên khắp các con phố đã "rợp" những chiếc đèn lồng đầy màu sắc ấy.

Ngày tết Thiếu nhi ở Nhật Bản - 5

Những chiếc đèn lồng cá chép đặc trưng được treo ở khắp mọi nơi (Ảnh: Japagzine)

Đặc biệt là ở những khu trung tâm, nơi tổ chức và diễn ra các lễ hội với quy mô lớn, du khách lại càng có cơ hội để hòa mình vào không khí nhộn nhịp, vui tươi và tràn đầy hy vọng.

Trong khi đó, những giai điệu truyền thống từ bài hát Koinobori lại được cất lên, hòa vào tiếng cười vui, niềm hạnh phúc và háo hức của mọi đứa trẻ, mọi gia đình.  Không chỉ vậy, nhiều gia đình còn trưng bày búp bê Kintarou với đủ mọi kích thước, hình dáng và màu sắc.