Mòn mỏi chờ sổ hồng: Rắc rối mối quan hệ “tay ba”, cư dân ôm khổ
(Dân trí) - Theo chuyên gia, cấp sổ hồng ở chung cư là mối quan hệ tay 3 giữa cơ quan cấp phép – chủ đầu tư – người dân. Chính vì vậy việc cấp sổ hồng không đơn giản như là cấp sổ đỏ cho một nhà dân 4-5 tầng hay một mảnh đất.
Chủ đầu tư làm sai rồi “ngó lơ” trách nhiệm
Tọa đàm trực tuyến “Gỡ rối vấn đề về cấp sổ hồng chung cư" do báo Lao Động vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia “mổ xẻ” những nguyên nhân dẫn tới khó cấp sổ hồng cho người mua nhà ở các dự án nhà ở thương mại.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, vấn đề cấp sổ quyền sử dụng đất và sở hữu nhà cho các căn hộ chung cư phức tạp hơn nhiều so với các nhà riêng lẻ.
Bởi theo vị này, chung cư là mối quan hệ tay 3 giữa cơ quan cấp phép – chủ đầu tư – người dân. Chính vì vậy việc cấp sổ hồng không đơn giản như là cấp sổ đỏ cho một nhà dân 4-5 tầng hay một mảnh đất.
Về cơ bản, ông Hà cho biết, các vi phạm chỉ có 2 khía cạnh: Thứ nhất, vi phạm tài chính, chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục tài chính, thuế. Vi phạm kĩ thuật, quy hoạch.
“Khi cơ quan nhà nước cấp xây dựng toà nhà 20 tầng mà chủ đầu tư tự ý tăng thêm 1 tầng, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng từ khu thương mại dưới đế toà nhà thành căn hộ để bán... Các quy định về phòng chống cháy nổ mà nhà đầu tư không hoàn thành thì cơ quan nhà nước không dám cấp sổ hồng cho các trường hợp như vậy”, ông Hà nói.
Còn trường hợp nếu toà nhà chưa vi phạm thì theo ông Hà, cơ quan nhà nước phải cấp cho người dân, còn quan hệ chủ đầu tư sau này sẽ xử lý cách khác.
“Hiện nhiều chung cư hoàn thành thủ tục rất nhanh, nhưng nhiều trường hợp không ra sổ được. Vì vậy, cần công nhận thực tế là có chậm trễ nhưng cần tìm ra nguyên nhân để giải quyết quyền lợi người dân”, ông Hà nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, không chỉ có người dân mà cả Chính phủ cũng nóng lòng với sổ hồng. Suốt từ năm 2007 đến nay, vấn đề sổ hồng vẫn chưa thống nhất. Theo báo cáo của Hà Nội và TP.HCM, còn nhiều chung cư chưa được cấp sổ hồng.
Ông Võ cũng cho rằng, câu chuyện chung cư là mối quan hệ tay ba: người cấp sổ, chủ đầu tư (dự án) và chủ căn hộ chung cư.
“Lúc này phải giải quyết “mối tình tay ba” nhưng luật quy định chủ đầu tư phải lo các thủ tục nhưng luật đất đai thì lại là chính quyền cấp cho chủ căn hộ. Như vậy, không nhất quán trong việc giải quyết”, ông Võ nêu bất cập.
Ông Võ cho biết, Hà Nội vừa qua đã tiếp thu và giải quyết “mối tình tay ba” nhưng làm một thời gian đến nay dường như vẫn chưa thông.
“Hiện có báo cáo làm nhà xong chủ đầu tư không chịu trách nhiệm với những sai phạm của mình. Hiện Hà Nội ngừng cấp sổ cho chung cư, chỉ chung cư mà chủ đầu tư không sai phạm thì mới cấp. Mối quan hệ nặng nhất hiện nay là chủ đầu tư và chính quyền. Chủ đầu tư sai phạm thì chính quyền không cấp đầy đủ giấy tờ làm sổ cho người mua chung cư. Như vậy, người dân gặp thiệt thòi”, ông Võ nêu thực tế.
Người dân có nên căng băng rôn đòi quyền lợi?
Hiện nay tại nhiều chung cư, để giải quyết tranh chấp trong cấp sổ hồng hoặc một số mâu thuẫn khác, cư dân thường hay lựa chọn hình thức căng băng rôn.
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Hải – Trưởng văn phòng luật sư NG Hoàng Hải và cộng sự, việc căng băng rôn là bất đắc dĩ với người dân. Theo quy chế tại các khu chung cư không được căng băng rôn nhưng vì muốn gây áp lực cho chủ đầu tư, cơ quan nhà nước... nên người dân mới làm vậy.
“Có những khu dân cư không vướng mắc gì nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện trách nhiệm của mình nên người dân mới khiếu nại”, ông Hải nói.
Theo quan điểm của ông Hải, thực tế người dân có quyền đưa ra các biện pháp nhằm gây áp lực cho phía chủ đầu tư cũng như cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cá nhân ông cho rằng việc căng băng rôn cũng không phải là một cách có hiệu quả tốt, thay vào đó người dân nên tìm hiểu kỹ về luật liên quan đến vấn đề sổ hồng.
Ông Hải cho rằng nếu chủ đầu tư đã có động thái tích cực nhằm tháo gỡ việc cấp sổ hồng thì người dân cũng nên hiểu rõ bản chất sự việc, giống như một tờ báo đã phân tích: “Khởi kiện và cấp sổ hồng là 2 thủ tục hành chính hoàn toàn khác nhau. Việc người dân thắng kiện bằng một bản án, nhưng sau đó chủ đầu tư muốn thực hiện việc thủ tục thi hành lại vướng mắc hoặc chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa có kết quả thì người dân vẫn phải chờ đợi tiếp, vì theo đúng luật Nhà ở số 65/2014/QH13 chủ đầu tư chỉ có thẩm quyền làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà, trừ trường hợp người mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận”.
Nguyễn Mạnh