Mất tiền tỷ vì mua phải nhà đất vướng quy hoạch
Sở hữu nhà tại thành phố là ước mơ của nhiều người, nhưng vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong việc giao dịch đã khiến không ít người rơi vào bẫy lừa, mất số tiền lớn tích góp trong nhiều năm.
Mua phải đất quy hoạch công viên, đường giao thông
Từ tỉnh lẻ lên TP.HCM thuê nhà trọ đi làm, sau thời gian tích góp được một số tiền, vợ chồng chị T. (quê Vĩnh Long) có ý định vay thêm ngân hàng để mua căn nhà an cư. Qua cò đất, chị T. được giới thiệu một thửa đất ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Cũng như nhiều người lần đầu đi mua đất, chị T. đến UBND xã kiểm tra quy hoạch thửa đất thì được in cho một bản đồ quy hoạch. Không phát hiện thửa đất có vấn đề gì, chị T. gặp chủ đất để thương lượng giá và đặt cọc 100 triệu đồng.
Trong thời gian chờ công chứng sang tên, chị T. liên hệ với nhà thầu xây dựng để tính toán chi phí xây nhà thì bất ngờ đơn vị này cho biết thửa đất chị mua bị vướng quy hoạch đất công viên cây xanh và đường đô thị. Biết bị lừa, chị T. xin lại tiền cọc nhưng chủ đất không cho.
Cũng không có kinh nghiệm mua nhà đất, chị N. (quê Bình Định) đã bỏ ra 2,2 tỷ đồng mua căn nhà cấp 4 rộng 42,8m2 tại xã Xuân Thới Nhì, huyện Hóc Môn nhưng diện tích được công nhận chỉ 18m2.
Theo chị N., trước khi quyết định mua chị đi xem thực tế thấy những nhà xung quanh đều xây dựng kiên cố nên yên tâm khu vực này quy hoạch là đất ở. Tuy nhiên, sau khi mua thì chị N. mới phát hiện thửa đất của mình có 24,8m2 không được công nhận. Đáng nói, diện tích 9,5m2 của căn nhà cũng không phù hợp quy hoạch.
Cẩn thận kiểm tra quy hoạch thửa đất muốn mua là việc làm cần thiết, thế nhưng vẫn có trường hợp mua nhầm. Mới đây, anh Q. được giới thiệu mua một thửa đất ở quận Thủ Đức với giá chỉ 35 triệu đồng/m2, đây là mức giá rẻ hơn nhiều so với giá bán tại khu vực.
Qua tìm hiểu, thửa đất anh Q. muốn mua không vướng quy hoạch, chứng chỉ quy hoạch của UBND quận được chủ đất cung cấp thể hiện đây là đất quy hoạch xây dựng nhà biệt thự đơn lập, diện tích xây dựng hơn 95%.
Yên tâm giao dịch nhưng sau đó anh Q. tìm hiểu thì biết được chứng chỉ quy hoạch chủ đất cung cấp từ tháng 5/2019. Theo bản đồ quy hoạch trực tuyến của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, thửa đất này không còn nằm trong quy hoạch đất ở, đã được chuyển đổi thành đất giáo dục.
Người mua cần làm gì để tránh bị lừa?
Trong hầu hết các vụ lừa đảo mua bán nhà đất, mặc dù bên mua đã tìm hiểu kỹ về quy hoạch thửa đất nhưng việc bên bán mập mờ thông tin hoặc cố tình cung cấp sai thông tin cũng khá phổ biến, như trường hợp của anh B.
Được giới thiệu căn nhà cấp 4 rộng 132m2 trong hẻm ở quận Tân Phú với giá bán 36 triệu đồng/m2, anh B. khấp khởi vì sắp mua được nhà giá rẻ tại khu vực. Trong giấy chủ quyền căn nhà thể hiện quy hoạch một phần đất ở và một phần đất giao thông, lộ giới hẻm dự kiến 5m.
Những căn nhà trong hẻm đều xây dựng kiên cố và theo tính toán của anh B. nếu mở rộng hẻm lên 5m thì căn nhà chỉ bị giải toả 18m2, vẫn còn 114m2, trong khi giá trị căn nhà sẽ tăng lên đáng kể.
Lúc này chủ nhà hối thúc anh B. đặt cọc từ 100 – 200 triệu đồng. Tuy nhiên khi tra quy hoạch trực tuyến, anh B. biết có quy hoạch đường cắt ngang sau nhà, nếu đường này được xây dựng thì căn nhà bị giải toả 95m2, chỉ còn lại 37m2.
Theo chuyên gia BĐS Lê Quốc Kiên, bài học rút ra khi giao dịch nhà đất là đừng nên tin hoàn toàn vào thông tin môi giới hay bên bán cung cấp mà người mua hãy tự mình tìm hiểu kỹ. Hầu hết bên bán đều biết các nhược điểm về BĐS nhưng không cung cấp đầy đủ cho môi giới và người mua. Không phải môi giới nào cũng có đủ kiến thức đề thẩm định, tư vấn có tâm cho người mua mà họ chỉ cần có giao dịch để nhận phí.
Do đó, thay vì trông chờ bên bán không lừa đảo, theo chuyên gia Lê Quốc Kiên, người mua nhà đất cần trang bị những kiến thức cần thiết, như thẩm định kỹ thông tin trên giấy chủ quyền về vị trí, phần đất vướng quy hoạch hay kiểm tra thông tin quy hoạch trực tuyến.
Để đảm bảo mua được nhà đất an toàn, người mua còn có thể trực tiếp đến phòng quản lý đô thị các quận huyện để tìm hiểu quy hoạch thửa đất. Trường hợp bên bán hợp tác thì sẽ được cơ quan thẩm quyền cung cấp chứng chỉ quy hoạch thửa đất mới nhất.
Liên quan đến việc đặt cọc để đảm bảo giao dịch BĐS, luật sư Trần Mai Hạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc kiểm tra quy hoạch thửa đất có nhược điểm sẽ mất thời gian, người mua có thể vuột mất cơ hội mua BĐS. Do đó khi giao kết hợp đồng đặt cọc, người mua nên ràng buộc điều khoản bên bán phải cùng kiểm tra thông tin quy hoạch của thửa đất tại cơ quan địa phương. Trường hợp thông tin thực tế không đúng với giao kèo ban đầu thì bên bán phải hoàn trả hoặc đền tiền cọc cho bên mua.