1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Lợi thế nào để Đồng Nai trở thành đô thị trực thuộc Trung ương?

(Dân trí) - UBND tỉnh Đồng Nai đang tính toán mức độ khả thi của mục tiêu đưa Đồng Nai trở thành đô thị trực thuộc Trung ương sau năm 2030. Với những lợi thế sẵn có, liệu Đồng Nai có thể hoàn thành được mục tiêu này?

Nhiều đô thị lớn hình thành

Thành phố Biên Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai từ năm 2016. Thành phố Biên Hòa hiện là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Đồng Nai và là thành phố công nghiệp lớn của cả nước; là đầu mối giao thông quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Lợi thế nào để Đồng Nai trở thành đô thị trực thuộc Trung ương? - 1

Nhiều khu đô thị mới với quy mô diện tích lớn và mật độ dân số đông góp phần vào tốc độ đô thị hóa nhanh của Đồng Nai

Hiện nay, Biên Hòa là một trong những đô thị lớn có quy mô dân số trên 1 triệu người, tương đương các thành phố trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng, Cần Thơ. Ông Phan Chí Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa cho hay, mục tiêu mà Biên Hòa phấn đấu đó là hướng đến đô thị loại I vững mạnh và xa hơn nữa là thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm 2019, Long Khánh chính thức trở thành thành phố. Cùng năm, Trảng Bom và Long Thành được công nhận là đô thị loại 4, làm tiền đề trở thành thị xã vào năm 2022.

Bên cạnh đó, khi sân bay Long Thành được xây dựng sẽ hình thành những đô thị sân bay và vùng quy hoạch liền kề tạo thêm động lực cho việc Đồng Nai trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hạ tầng giao thông tạo đà phát triển bất động sản

Dân số tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa cũng tăng theo, đòi hỏi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng phải tăng tương ứng, đặc biệt là mạng lưới giao thông đô thị. Đồng Nai đã giải quyết bài toán này khi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng phát triển các công trình giao thông trọng điểm, tăng cường kết nối giao thương khu vực.

Các dự án trong danh mục này gồm cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, đường vành đai 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hệ thống Metro đoạn qua địa bàn Đồng Nai, dự án cầu Cát Lái nối quận 2 TP. HCM…

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn trong năm 2020.

Lợi thế nào để Đồng Nai trở thành đô thị trực thuộc Trung ương? - 2

Nhà phố thương mại xây sẵn trở thành phân khúc chủ đạo tại thị trường BĐS Đồng Nai

Sự phát triển nhanh của các ngành công nghiệp - dịch vụ đã kéo theo sự gia tăng dân số tại Đồng Nai. Từ đây hình thành nên một thị trường bất động sản sôi động với nguồn cầu lớn. Hàng loạt “ông lớn” trong ngành bất động sản đã nhanh chóng tìm kiếm quỹ đất sạch để phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị… Đồng Nai được đánh giá là thị trường vùng ven TP. HCM có sự phát triển nhanh và ổn định nhất trong thời điểm hiện tại.

Toàn tỉnh hiện có hàng chục dự án khu đô thị quy mô từ 300 - 1.000 ha, tập trung tại Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành và Trảng Bom nhằm đón đầu sự phát triển về hạ tầng giao thông và đô thị hóa. 

Trong đó, Trảng Bom với ưu thế dân cư đông, mật độ dân số cao và quỹ đất dồi dào nên có nhiều ưu thế để phát triển. Tập trung nhiều cụm công nghiệp với số lượng lớn chuyên gia và dân nhập cư, hệ thống giao thông kết nối thuận tiện giữa sân bay Long Thành với Biên Hòa và TP.HCM đã giúp Trảng Bom thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản.

Lấy ví dụ một số dự án tại Trảng Bom như khu đô thị The Viva City hay khu đô thị thông minh Viva Park đều ghi nhận lượng giao dịch cao. Mô hình nhà phố và biệt thự xây sẵn tại đây thu hút giới đầu tư và trở thành phân khúc chủ đạo trên thị trường. Một căn nhà phố sân vườn xây sẵn (1 trệt, 2 lầu) có mức giá khoảng 1,8 tỷ đồng, phù hợp với nhu cầu của nhiều khách hàng.

Sự phát triển đồng bộ của các đô thị lớn, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, tốc độ phát triển kinh tế cao là thế mạnh của Đồng Nai. Đây là thời điểm địa phương này chuẩn bị những điều kiện tốt nhất và xây dựng hạ tầng tốt hơn nữa để đáp ứng các yêu cầu của một đô thị trực thuộc Trung ương sau năm 2030.