Không nghe vợ khuyên, nhà đầu tư đất nền mất ngay nhiều tỷ đồng

Hà Phong

(Dân trí) - Giá đất nền thời gian qua liên tục giảm mạnh khiến không ít nhà đầu tư tay ngang sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn phải nhận "trái đắng".

Từ năm 2019 đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản nhiều nơi diễn biến sôi động. Thời điểm đó, không ít người "bỏ tiền" vào đất chỉ sau một thời gian rất ngắn "lướt sóng" đã có thể thu lời hàng trăm triệu đồng, thậm chí những người vốn lớn có thể nhanh chóng lãi hàng tỷ đồng.

Đầu tư theo đám đông, nhiều nhà đầu tư tay ngang, ít kinh nghiệm khi ấy cũng "đổ bộ" thị trường và mạnh tay chi số tiền lớn, khiến thị trường "sốt giá". 

Tuy nhiên, đến giữa năm ngoái, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng và duy trì sự ảm đạm tới nay. Trong đó, thanh khoản liên tục sụt giảm khiến không ít người bán muốn thu tiền về phải chấp nhận giảm giá sâu. Một số nhà đầu tư, dù đã được người thân khuyên ngăn nhưng vẫn tự tin chiến thắng trên thị trường, cuối cùng phải nhận "trái đắng". 

Không nghe vợ khuyên, nhà đầu tư đất nền mất ngay nhiều tỷ đồng - 1

Đất nền giảm giá bán ở nhiều nơi sau thời gian "sốt giá" (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Câu chuyện đầu tư của anh Nguyễn Hải (Thanh Trì, Hà Nội) là một bài học điển hình, đắt giá khi không nghe vợ khuyên ngăn. Anh cho biết, sau 10 năm tiết kiệm, đến cuối năm 2020 gia đình anh có số tiền 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đầu năm 2021, dịch bệnh bất ngờ bùng phát khiến kế hoạch kinh doanh cửa hàng cà phê của anh phải gác lại.

Cùng thời điểm này, giá bất động sản tại khắp nơi bắt đầu lên "cơn sốt". Bên cạnh đó, chứng kiến nhiều bạn bè kiếm được tiền từ nhà đất, anh Hải bắt đầu nghĩ tới chuyện tham gia vào thị trường.

"Ngay lập tức, tôi đi nhiều nơi để tìm mua đất. Mảnh đất đầu tiên có diện tích 80m2 tại vùng ven Hà Nội tôi mua với giá 3 tỷ đồng. Chỉ sau nửa tháng, mảnh đất này được tôi sang tay cho nhà đầu tư khác và lãi ngay 200 triệu đồng. Sau thương vụ này tôi liên tục tìm, mua bán "lướt sóng" nhiều mảnh đất khác để kiếm lời", anh Hải kể.

Sau một năm tham gia vào thị trường, nhờ việc "lướt sóng" anh Hải đã kiếm được khoảng 1,5 tỷ đồng, nâng tổng vốn lên 4,5 tỷ đồng. Số tiền này tương đương một nửa tiền tiết kiệm của gia đình anh Hải sau 10 năm.

Đầu năm 2022, thị trường bất động sản vẫn "nóng bỏng tay", anh Hải bàn với vợ sẽ cắm căn nhà đang ở để vay thêm 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, lần này vợ anh khuyên ngăn chỉ nên đầu tư bằng tiền sẵn có.

"Mình có bao nhiêu thì mua bằng đó, lãi có thể chậm nhưng chắc, dù đất chưa bán được ngay cũng không lo trả nợ. Bây giờ vay số tiền lớn hơn tiền vợ chồng đang có, nhỡ vấn đề gì xảy ra sẽ không khác gì "kiếm củi 3 năm thiêu 1 giờ". Trong khi, gia đình cũng rất chắt bóp trong nhiều năm mới tiết kiệm được số tiền đó", anh Hải thuật lại lời của vợ nói khi đó.

Tuy nhiên, vì hiếu thắng nên anh đã khẳng định chắc nịch: "Lần này sẽ thắng". Do vậy, vợ anh cũng đành nghe theo.

Sau khi cầm cố căn nhà đang ở, anh Hải tìm mua 2 mảnh đất tại vùng ven Hà Nội và 4 mảnh đất tại Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh với tổng giá trị 18 tỷ đồng. Trong đó, có 7,5 tỷ đồng là anh Hải tiếp tục cầm cố các mảnh đất mới mua vay thêm.

Tuy nhiên, mọi toan tính của nhà đầu tư này đều đổ vỡ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi mua, thị trường đột ngột rơi vào trầm lắng. Các mảnh đất của anh liên tục rớt giá.

Đầu năm nay, do không "gồng" nổi lãi suất, anh Hải đã rao bán 4 mảnh đất ở tỉnh với mức "cắt lỗ" từ 20-30% so với lúc mua. 2 mảnh đất tại vùng ven đến đầu tháng 5 vừa qua, anh Hải tiếp tục bán lỗ hơn 30%. Thống kê chưa đầy đủ, các thương vụ bán cắt lỗ đã khiến anh lỗ 6 tỷ đồng.

"Kinh doanh thì không ai muốn bán lỗ, nhưng vì không chịu được nợ nên tôi đành phải bán đi để tất toán. Không những tôi mất hết vốn, tiền lãi trước đó mà còn phải nợ thêm hơn 1 tỷ đồng", anh Hải ngậm ngùi. 

Tình trạng trầm lắng kéo dài suốt thời gian qua của thị trường bất động sản đã khiến không ít nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính lớn phải nhận "trái đắng". 

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền ở những khu vực từng xảy ra "sốt đất" tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư vào nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực. Theo đó, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc giai đoạn 2018-2022 của các chủ đầu tư buộc phải cắt lỗ 10-30%, thậm chí lên đến 30-50% giá trị đầu tư.