Hoãn Thế vận hội Tokyo có thể khiến Nhật mất thêm 2,8 tỷ USD
(Dân trí) - Chi phí cho việc hoãn Thế vận hội Tokyo có thể lên tới 2,8 tỷ USD, theo số liệu do ban tổ chức, chính quyền thành phố Tokyo và chính phủ Nhật Bản công bố hôm thứ Sáu.
Con số trên phù hợp với ước tính được đưa ra ở Nhật Bản kể từ khi Thế vận hội bị hoãn 8 tháng trước. Các môn thi đấu dự kiến sẽ được công bố vào 23/7/2021.
Khoảng 2/3 chi phí tăng thêm sẽ do hai cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm, 1/3 còn lại được ban tổ chức gánh vác.
Một phần nhỏ trong chi phí tăng thêm của Tokyo được chi trả bởi Ủy ban Olympic Quốc tế đặt trụ sở tại Thụy Sĩ, cơ quan vốn chủ yếu dựa vào ngân khố công để tổ chức các sự kiện. Trong khi đó, doanh thu của đơn vị này phần lớn được tạo ra từ việc bán bản quyền phát sóng và tài trợ.
"Tôi nghĩ thách thức lớn nhất là chi phí bổ sung", Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cho biết trong cuộc họp báo trực tuyến mới hất. "Chúng tôi cần được người dân Tokyo nói riêng và người dân Nhật Bản nói chung thấu hiểu, thông cảm".
Theo nghiên cứu mới đây của Đại học Oxford, Olympics Tokyo là Thế vận hội mùa hè tốn kém nhất trong lịch sử. Điều đáng nói là ghi nhận này được thực hiện trước cả khi sự kiện bị trì hoãn bởi Covid-19, cũng tức là chưa tính tới số tiền phát sinh vì dời lịch tổ chức.
Hồi 2013, khi thắng thầu tại Buenos Aires, Argentina, Tokyo cho biết Thế vận hội sẽ tiêu tốn tổng cộng 7,3 tỷ USD. Đến cuối năm 2019, Nhật Bản khẳng định con số sẽ chỉ ở mức 12,6 tỷ USD. Tuy nhiên, một cuộc kiểm toán của Chính phủ cho thấy số tiền phải chi thực tế có khả năng cao gấp đôi.
Chi phí vận hành bộ máy tổ chức cũng như quản lý trang thiết bị do hoãn ngày khai mạc được liệt kê là 171 tỷ yên, tương đương khoảng 1,64 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại, do đơn vị tổ chức và thành phố Tokyo chịu trách nhiệm thanh toán. Chi phí cho các biện pháp đối phó với dịch bệnh là 96 tỷ yên (khoảng 920 triệu USD), cho chính phủ Nhật chi trả hoàn toàn. Các nhà tổ chức Tokyo cũng cho biết họ có thể đóng góp 27 tỷ yên (khoảng 260 triệu USD) từ quỹ dự phòng để giúp trang trải các chi phí tăng thêm.
Toshiro Muto, Giám đốc điều hành của ban tổ chức Thế vận hội Olympics, cho biết họ đang tìm kiếm các nhà tài trợ mới trong nước để giải quyết chi phí gia tăng. Tokyo đã nhận được số tiền kỷ lục lên tới 3,3 tỷ USD từ nguồn nội địa - nhiều gấp đôi so với bất kỳ thế vận hội nào trước đó. Đơn vị này cũng sẽ nhận được 50 tỷ yên (480 triệu USD) tiền bảo hiểm hoãn hủy theo hợp đồng đã ký trước đó.
Trong một nỗ lực nhằm điều chỉnh chi phí, đơn vị tổ chức thông báo đã tiết giảm được 280 triệu USD nhờ việc bỏ bớt hoặc thu hẹp các nghi thức không cần thiết như tiệc chiêu đãi, buổi giới thiệu. Các chi phí được cắt giảm này phải đảm bảo không tác động tới số lượng người tham dự Olympics, khi toàn bộ 11.000 vận động viên Olympic và 4.350 vận động viên Paralympic dự kiến đều có mặt, cùng sự xuất hiện của hàng chục nghìn quan chức, thẩm phán, khách VIP cũng như giới truyền thông.
Trên thực tế, khi chi phí để giải quyết các vấn đề phát sinh của sự kiện thể thao này càng lúc càng lớn, ban tổ chức phải đối diện với càng nhiều nghi vấn về sự cần thiết phải tổ chức Olympics ngay giữa cao điểm đại dịch Covid-19. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự chia rẽ của công chúng Nhật Bản về vấn đề Thế vận hội, cũng như bất kỳ động thái nào cho phép người hâm mộ từ nước ngoài nhập cảnh, bất chấp các thông tin tích cực về vaccine liên tục xuất hiện trên truyền thông.
Xét một cách tổng thể, Nhật Bản là quốc gia có kết quả kiểm soát đại dịch tốt hơn nhiều nước khác. Tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia 125 triệu người mới chỉ ghi nhận khoảng 2.200 ca tử vong do Covid-19.