Hà Nội: Đông Anh sẵn sàng diện mạo mới trước "giờ" lên quận

Trường Thịnh

(Dân trí) - Dự kiến vào năm 2025, Hà Nội sẽ có thêm 5 quận mới là Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng, nâng tổng số quận của Hà Nội lên 17.

Việc những huyện trên sẽ thay đổi tên gọi về mặt hành chính cho thấy một Hà Nội đã và đang chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của đất nước.

Đông Anh - ứng viên sáng giá trong cuộc đua lên quận

Trong số 5 huyện dự kiến sẽ lên quận vào năm 2025, Đông Anh là một ứng viên nổi bật. Được biết, vào tháng 4 năm nay, Thành ủy Hà Nội đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng lên quận dự kiến đến năm 2025.

Từ trước đó, giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố đã bố trí hơn 10.600 tỷ đồng để đầu tư các dự án cấp thành phố trên địa bàn 5 huyện. Các huyện đều nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện các tiêu chí trong "cuộc đua" lên quận.

Hà Nội: Đông Anh sẵn sàng diện mạo mới trước giờ lên quận - 1
Bản đồ quy hoạch huyện Đông Anh đến năm 2030 với tầm nhìn lên quận.

Đến thời điểm hiện tại, cả 5 huyện đều có một số tiêu chí chưa đạt, tuy nhiên, đáng chú ý, xét trên tiêu chí cân đối thu, chi, theo tính toán của Sở Tài chính, chỉ có huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm bảo đảm cân đối thu - chi, còn lại tỷ lệ thu chi của huyện Thanh Trì đạt 75%, huyện Hoài Đức 47% và huyện Đan Phượng đạt 27%.

Xét về tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị, Đông Anh cũng nổi lên như một điển hình về sự bứt phá hạ tầng mạnh mẽ thời gian qua.

Hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch kết nối thông suốt với các tỉnh phía Bắc, vùng Đông Bắc và khu vực trung tâm thủ đô như đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), Quốc lộ 5 kéo dài gồm đường Trường Sa và đường Hoàng Sa, Quốc lộ 3, Quốc lộ 3 mới (đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên), đường 23B, Quốc lộ 23A… được hoàn thiện.

Những cây cầu rút ngắn khoảng cách từ Đông Anh sang trung tâm Hà Nội là cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân và cầu Đông Trù đều đã đi vào vận hành và trở thành sợi dây căng đà phát triển của Đông Anh cùng nội đô.

Đặc biệt, bên cạnh việc nâng cấp lên quận, trong định hướng phát triển, thành phố sẽ xem xét đến việc xây dựng huyện Đông Anh trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô. Ban chỉ đạo của thành phố sẽ bàn thảo vấn đề này kỹ lưỡng trong thời gian tới.

Những nguồn lực lớn của Đông Anh

Nỗ lực không ngừng cho mục tiêu lên quận, Đông Anh đã xây dựng kế hoạch thực hiện 15 đề án thành phần nhằm hoàn thành các tiêu chí nhanh nhất, tốt nhất. Hiện Đông Anh đang đề xuất thành phố sớm triển khai 22 dự án hạ tầng khung thuộc nhiệm vụ chi giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh hoạt động cấp nước sạch cho người dân ở một số xã; chú trọng việc xử lý nước thải, chỉnh trang đô thị…

Những công trình giao thông trọng điểm như cầu Tứ Liên, tuyến đường nối cầu Tứ Liên đến quốc lộ 3 mới; đường 23B mở rộng, đường quy hoạch 41 m, hoàn thiện các đoạn tuyến đường Vành đai 3 được huyện kiến nghị thành phố chú trọng sớm triển khai để tạo đà bật mạnh cho Đông Anh. Hệ thống đường sắt trên cao đi qua địa phận Đông Anh cũng sẽ được đẩy mạnh trong tương lai gần.

Hà Nội: Đông Anh sẵn sàng diện mạo mới trước giờ lên quận - 2
Trong sự phát triển không ngừng của Đông Anh trên hành trình lên quận, bất động sản sẽ là lĩnh vực hưởng lợi lớn với nhiều dự án đình đám.

Ngoài ra, Đông Anh cũng kiến nghị sớm phê duyệt quy hoạch phân khu Sông Hồng và Sông Đuống; đẩy mạnh xây dựng trục Nhật Tân - Nội Bài - dự án đô thị lớn nhất Hà Nội với quy mô lên tới 2.080 ha…

Trong sự phát triển không ngừng của Đông Anh trên hành trình lên quận, bất động sản vừa là lĩnh vực hưởng lợi rất lớn, vừa là nhân tố quyết định diện mạo mới của Đông Anh. Trên thực tế, những chuyển biến hiện tại đã và đang tạo nên sức hút mạnh dòng tiền đầu tư.

Đông Anh trở thành địa hạt hấp dẫn, quy tụ các tên tuổi hàng đầu của thị trường địa ốc Việt Nam như Sungroup với dự án công viên Kim Quy (136 ha), Vingroup với công viên phần mềm (78,1 ha), Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (90 ha), BRG với thành phố thông minh (272 ha), tập đoàn TH với dự án Tổ hợp Y tế & Chăm sóc sức khỏe công nghệ cao TH Medical (40 ha), Vimefulland với dự án Helianthus Center Red River (5 ha)…

Hà Nội: Đông Anh sẵn sàng diện mạo mới trước giờ lên quận - 3

Helianthus Center Red River là dự án tiên phong, đi đầu bắt nhịp tốc độ phát triển mạnh của bất động sản Đông Anh.

Có thể thấy, một trong những lý do hấp dẫn nhất đối với những ông lớn này khi "chọn mặt gửi vàng" tại đây là bởi tiềm năng đầu tư, tăng giá tại Đông Anh là điều đã nằm trong kịch bản.

Trong đó, những dự án đang triển khai và có pháp lý minh bạch sẽ chiếm lợi thế hơn hẳn và nghiễm nhiên trở thành điểm sáng của thị trường Đông Anh trong giai đoạn "quá độ" này, ví dụ như Helianthus Center Red River - một dự án cao cấp tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương ra mắt vào đầu năm nay.

Theo ghi nhận của chúng tôi, dự án này đã vào giai đoạn triển khai hạ tầng và ghi nhận lượng giao dịch ấn tượng dù đang trong mùa dịch.

Nói thế để thấy, bất động sản Đông Anh đang thực sự chuyển mình trước "giờ" lên quận, chứ không còn chỉ là dự đoán, và những dự án tiên phong với những điều kiện ưu việt về vị trí và pháp lý, chắc chắn sẽ là bước đi khôn ngoan của nhà đầu tư thông thái nhằm đón đầu xu hướng tăng giá trong thời gian tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm