Hà Nội: Công viên hàng trăm tỷ đồng “chớp mắt" biến thành đống đổ nát
(Dân trí) - Chỉ vỏn vẹn đúng 2 ngày ra quân, một dự án hoành tráng với quy mô hơn 3ha, đầu tư hàng trăm tỷ đồng với mệnh danh là “DisneyLand" ở khu vực Hà Đông, Hà Nội bị san bằng vì lý do không phép.
Hôm 15/1, lực lượng chức năng quận Hà Đông đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ công viên nước Thanh Hà (quận Hà Đông, Hà Nội), chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển Địa ốc Cienco5.
Có mặt tại công viên nước Thanh Hà chỉ sau vài ngày Hà Nội ra “lệnh" tháo dỡ, giờ đây tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại nhất Thủ đô chỉ còn là một đống đổ nát.
Như vậy, chỉ vỏn vẹn đúng 2 ngày ra quân, một dự án hoành tráng với quy mô hơn 3ha, đầu tư hàng trăm tỷ đồng với mệnh danh là “DisneyLand" nhưng xây không phép bị san bằng.
Nhìn cảnh tượng này, không ít người bày tỏ tiếc nuối bởi không chỉ toàn bộ cả tài sản gắn liền với đất như tường rào, cổng chính cổng phụ, nhà dịch vụ… mà ngay cả những thứ hoàn toàn có thể tái sử dụng như máng trượt hay các thiết bị vui chơi trẻ em khác cũng bị hư hỏng.
Thậm chí theo quan sát của PV, ngay cả cây xanh “vô tội" cũng bị đạp đổ. Khi chính quyền quyết định đập bỏ, không ít ý kiến đặt vấn đề việc tại sao không biến nó thành không gian vui chơi cho cộng đồng của khu đô thị Thanh Hà có diện tích rộng lớn tới gần 400ha này. Trước đó, chính chủ đầu tư dự án - Cienco5 cũng đã có đề xuất hiến tặng các công trình trên lô đất này cho UBND phường Phú Lương nhằm mục đích xã hội nhưng chưa nhận được sự phản hồi.
Theo thông tin Dân trí nắm được, liên quan đến quyết định cưỡng chế này, UBND quận Hà Đông mới đây đã nhận được văn bản từ phía chủ đầu tư dự án - Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 về việc đề nghị xử lý sai phạm trong quá trình cưỡng chế công trình công viên nước Thanh Hà.
Theo văn bản này, Cienco 5 đã kiến nghị lãnh đạo quận Hà Đông làm rõ quy trình thực hiện việc cưỡng chế đối với dự án công viên nước Thanh Hà, có đúng pháp luật hay không khi công ty có rất nhiều tài sản đề nghị được vận chuyển ra nhưng không được chấp thuận.
Đồng thời theo lãnh đạo Cienco5, việc cưỡng chế đã làm hư hỏng toàn bộ các thiết bị, máy móc hiện có trong công viên. Thậm chí các hạng mục hạ tầng kỹ thuật không nằm trong khu vực cưỡng chế cũng bị đập phá.
Đại diện UBND quận Hà Đông cho biết, Văn phòng UBND quận đã nhận được văn bản kiến nghị nêu trên của Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5. Hiện lãnh đạo quận đã giao cho Phòng Tư pháp xử lý, việc trả lời làm rõ các vấn đề kiến nghị của doanh nghiệp sẽ cố gắng được thực hiện trước ngày 22/1/2020.
Trong khi đó, đại diện phía Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 thừa nhận đã có những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án. “Chúng tôi đã sai, chúng tôi cố gắng thực hiện việc khẩn trương tháo dỡ, chấp hành mọi quyết định nhưng do giáp Tết nên khó khăn về nguồn nhân lực. Chưa kể các hạng mục tháo dỡ phức tạp, việc tháo dỡ cũng cần đảm bảo an toàn nên chúng tôi có nhiều lần đề nghị quận Hà Đông gia hạn thời gian tháo dỡ, chậm nhất hết quý I/2020 sẽ xong nhưng không được chấp thuận", ông Đỗ Trung Kiên - Tổng giám đốc Cienco5 chia sẻ.
Trước đó, cơ quan chức năng quận Hà Đông đã gửi giấy yêu cầu Công viên nước Thanh Hà phải chủ động khắc phục hậu quả cho hành vi vi phạm "tổ chức thi công xây dựng công trình mà không có giấy phép xây dựng" từ ngày 27/11/2019.
Quá thời gian theo quy định, do Công viên nước Thanh Hà đã không thực hiện tháo dỡ theo yêu cầu nên UBND quận Hà Đông đã ra quyết định cưỡng chế, phá dỡ toàn bộ công trình. Khoảng hơn 100 người được huy động cùng nhiều máy móc để phá dỡ 19 hạng mục của công viên, bao gồm cầu trượt nước, bể tạo sóng, đài phun nước, nhà điều hành, cổng chính...
Dưới đây là một số ghi nhận của PV tại dự án sau tháo dỡ:
Nguyễn Mạnh