Giá đất tăng, di sản khó tồn tại
(Dân trí) - Nguyên nhân dẫn đến di sản bị phá hủy có yếu tố từ xã hội. Khi giá đất tăng, di sản khó tồn tại bởi tư duy xây nhà cao ốc có lời hơn để lại "chùa"… Tư duy cho rằng phá các di sản để xây dựng công trình mới, to lớn hơn; đập công trình cổ đi, xây mới có hiệu quả kinh tế cao hơn hay phá đi, xây bắt chước theo kiểu cũ... là sai lầm.
Công trình kiến trúc bị đập phá vì sợ “bị rơi vào đầu”
Phát biểu tại Hội thảo "Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” diễn ra sáng 10/6, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, TPHCM là thành phố trẻ với hơn 300 năm phát triển. Tài sản đáng quý của thành phố là được thừa hưởng những giá trị kiến trúc qua từng giai đoạn phát triển. Chính các công trình này là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Cứ 2 vị khách quốc tế đến Việt Nam thì có 1 người đến TPHCM cũng chính vì sự hài hoà kiến trúc này.
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 172 di tích và chỉ 23% trong số đó có thể phát huy thành điểm đến du lịch. Tuy số lượng khiêm tốn và hạn chế nhưng trong top 10 điểm phải đến khi tới TPHCM là những công tình kiến trúc mang tính di sản.
Tuy nhiên, hiện nay, một số di sản thông tin chưa được nhiều để tạo chiều sâu, lại khó tiếp cận vì hạn chế giao thông. Do đó, ông Vũ cho rằng, để biến một tài nguyên thành một điểm đến cần phải làm rất nhiều việc.
PGS. TS. KTS Trần Văn Khải, giảng viên môn bảo tồn di sản cho biết, một thực tế đáng buồn là hiện nay, nhiều công trình bị đập phá vì sợ “bị rơi vào đầu”.
Theo ông Khải, nguyên nhân dẫn đến di sản bị phá hủy là nhiều yếu tố nhưng có yếu tố từ xã hội. "Khi giá đất tăng, di sản khó tồn tại bởi tư duy xây nhà cao ốc có lời hơn để lại chùa… Tư duy cho rằng phá các di sản để xây dựng công trình mới, to lớn hơn; đập công trình cổ đi, xây mới có hiệu quả kinh tế cao hơn hay phá đi, xây bắt chước theo kiểu cũ... là sai lầm", ông Khải nói.
Cũng theo ông Khải, nhiều người không hiểu và không biết chơi đồ cổ. "Việc phá hủy một di sản kiến trúc không đơn giản là phá hủy một ngôi nhà hư nát mà chính là đập bể chén cơm của đồng bào và doanh nghiệp địa phương", ông Khải nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với KTS Trần Văn Khải, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM cho rằng, quá trình đô thị hóa đang diễn ra tại TPHCM rất nhanh, áp lực về kinh tế và sự thay đổi về mật độ dân cư đã khiến các công trình di sản bị... "lép vế".
Các công trình kiến trúc cũ bị phá bỏ nhường chỗ cho các công trình cao ốc mới. Không gian di sản đô thị bị phá vỡ, trong khi đó, các địa điểm khảo cổ chưa được nghiên cứu sâu.
Ông Quân dẫn chứng cụ thể trường hợp khu phố cổ đường Hải Thượng Lãn Ông (phường 10, Q.5). Khu phố này được xây dựng đầu thế kỷ 19 gắn liền với đời sống sinh hoạt thương mại của cộng đồng người Hoa chuyên về kinh doanh thuốc bắc. Hiện khu phố gồm dãy nhà từ số 43 - 65 và ngôi nhà số 102AB còn lưu giữ được nét kiến trúc xưa ở mặt tiền kiến trúc bên trong đã cải tạo, thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện nay.
"Việc bảo tồn khu phố cổ này là cần thiết tuy nhiên các ngôi nhà này thuộc sở hữu tư nhân, việc xếp hạng di tích phải đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân", ông Quân nói.
Đầu tư nên hướng đến các giá trị văn hóa của đô thị
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM, việc quản lý và khai thác di tích chưa thực hiện đồng bộ nên dẫn đến tình trạng công trình di tích bị xuống cấp không được kịp thời bảo quản, tu bổ; còn chờ đợi vào kế hoạch tu bổ di tích của thành phố và kinh phí đầu tư tu bổ từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Để bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, ông Trần Văn Khải cho rằng có 2 phương pháp. Một là bảo tồn như một công trình kỷ niệm thuần túy để trong tủ kính. Thứ hai là bảo tồn như một vật thể sống như triều đình Huế có nhã nhạc. Tránh phương thức bảo tồn kiểu mặt tiền giả kém chất sống vì công trình đã bị phá hủy.
Chẳng hạn như Chợ Đồng Xuân sửa bên ngoài, do mặt tiền giả nên nhiều người không vào xem. “Đừng hoảng hốt khi di sản bị phá hủy mà vội báo cáo chẳng còn gì để bảo tồn để rồi quyết định xóa sổ. Có thể phục hưng di sản như chùa Một cột đã làm trước đây”, ông Khải cho hay.
TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM cho rằng, nếu không ứng xử tôn trọng với quá khứ của đô thị thì việc nhìn nhận đánh giá lịch sử không thể khách quan và di sản không thể hoàn thành sứ mệnh hòa hợp, hòa giải dân tộc của mình.
Do đó, theo TS Nguyễn Thị Hậu, muốn bảo tồn, phát triển di sản thì việc đầu tiên phải thay đổi từ quan điểm. Phải thấy di sản là bản sắc của đô thị, phá di sản thì đô thị không còn bản sắc, không thể phát triển văn hóa, du lịch.
Để bảo tồn di sản trong quá trình phát triển đô thị, vai trò quyết định thuộc về chính quyền và nhà đầu tư, vai trò quan trọng là nhà nghiên cứu và cộng đồng. Bà Hậu cho rằng, chính quyền phải có tầm nhìn thật sự thể hiện qua quy hoạch cụ thể, thực thi các chính sách bảo tồn và chế tài, thậm chí đưa ra các luật lệ mới để bảo tồn di sản. Các nhà khoa học phải có tiếng nói phản biện góp ý trên tinh thần có chia sẻ đối với chính quyền. Đôi khi phải thỏa hiệp để góp phần phát triển.
"Cộng đồng phải có thông tin minh bạch để góp ý, phản biện. Nhà đầu tư: bên cạnh lợi nhuận cần có trách nhiệm với cộng đồng, nhìn ra giá trị di sản để chung tay bảo vệ cùng cộng đồng. Khi đầu tư nên hướng đến các giá trị văn hóa của đô thị", bà Hậu nói.
Công Quang