Hà Nội:
Giá đất 2 bờ sông Hồng "bứt tốc" tăng 10 lần đón đầu quy hoạch đô thị mới
(Dân trí) - Quy hoạch sông Hồng vẫn đang chờ được phê duyệt nhưng giá đất dọc 2 bờ sông đã tăng chóng mặt từ vài năm gần đây. Một số nơi còn tăng gấp 9 - 10 lần so với trước, lộ dấu hiệu "bong bóng".
Nhật Tân là vùng trồng đào nổi danh tại Hà Nội, do chất đất phù sa màu mỡ được sông Hồng bồi đắp nên cánh đào tại đây cũng dày và thắm đỏ hơn nhiều nơi khác.
Hiện nay, chạy theo cơn "cuồng phong" giá đất, không ít người trồng đào Nhật Tân cũng đang rao bán vườn với mong muốn thu về một khoản lớn.
Ghi nhận của PV cho thấy đất bãi trồng đào ở khu vực này đa phần là đất tăng gia của người dân từ hàng chục năm về trước, hay còn gọi là đất thoát lũ.
Theo một người dân tại đây, trước kia hợp tác xã phân đất cho người dân dưới dạng đất khoán sản (có đóng thuế đất). Tuy nhiên, sau một thời gian canh tác, người dân tăng gia, mở rộng phần đất sở hữu. Phần đất này chỉ được sử dụng để làm vườn, trồng cây mà không được phép xây dựng kiên cố. Do đó, nhiều năm trước, ít người quan tâm tới khu vực này và cũng không có nhu cầu đầu cơ.
Chính vì thế, giá đất thoát lũ tại Nhật Tân cách đây 10 năm chỉ khoảng 60 - 70 triệu đồng/sào với khu đất sâu trong ngõ, mặt đường to đẹp sẽ dao động từ 70 - 80 triệu đồng/sào.
Cách đây 6 năm, ông T (trú tại Nhật Tân, Hà Nội) mua mảnh đất có diện tích 4 sào (khoảng 1.440m2) với giá khoảng 60 triệu đồng/sào. Nhưng hiện tại, miếng đất đã có giá trị hơn 2,1 tỷ đồng (1,5 triệu đồng/m2). Như vậy, mảnh đất trồng đào của ông T sau vài năm đã có lãi gấp 9 lần. Miếng đất của ông T nằm ở vị trí sâu, đường nhỏ. Phía ngoài đường rộng, gần các điểm du lịch, giá đã tăng lên 5 triệu đồng/m2.
Theo một người môi giới đất khu vực này, nhiều người hiện còn đang "ôm" cả vài ha đất tại đây và giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Cũng theo người môi giới này, đất thoát lũ này không được phép xây dựng, nhưng nhiều người thích dựng homestay, nhà container để cuối tuần ra nghỉ dưỡng nên họ mua theo phong trào từ cách đây 3 năm.
"Từ 3 năm trước giá đất có tăng, nhưng cũng chỉ ở mức 100 triệu đồng/sào và lúc đó mọi thứ về quy hoạch vẫn chưa rõ. Nhưng hiện giờ giá đất đã tăng gấp 5 - 15 lần" - người môi giới nói và giải thích rằng những miếng rộng 5 sào tại vị trí đẹp có giá khoảng 9 tỷ đồng, trong khi những mảnh đất này trước kia chỉ có giá trên 100 - 120 triệu đồng/sào.
Dù giá đang tăng chóng mặt, nhưng rủi ro của những khu đất này vẫn rất lớn. Bởi trong số 4 - 5 sào đất, chỉ có khoảng vài trăm mét vuông đất là đất khoán sản, có đóng thuế. Đây là đất mà trước đây người dân được các hợp tác xã phân cho để sản xuất, phần còn lại là đất tăng gia nên khoảng diện tích này sẽ không có giấy tờ.
Theo ông T, địa phương hiện vẫn quản lý phần đất khoán sản, nhưng không cho mua bán. Mọi giao dịch mua bán đều là tự sang nhượng cho nhau qua giấy viết tay.
Giới chuyên gia cảnh báo, người dân cần tỉnh táo trước các "sóng" đầu tư bất động sản ven sông Hồng. Bởi ngoài việc giá bị đẩy lên gấp hàng chục lần, đất không được phép xây dựng nhà kiên cố thì rủi ro về pháp lý cũng không hề nhỏ nếu đất thuộc khu bị quy hoạch.
Chia sẻ về quy hoạch đô thị sông Hồng, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho biết, để doanh nghiệp làm thì phải hiểu, đằng sau việc họ tài trợ sẽ là nguy cơ về lợi ích nhóm. Doanh nghiệp nào sẽ là người bỏ tiền ra cho không Nhà nước? Cũng không thể giao cho những người không hiểu Hà Nội, không hiểu văn hóa sông Hồng làm quy hoạch được. Bên cạnh đó, không được tính đến nó là đô thị nén để bán bất động sản.
Trong đồ án này, người đứng đầu TP. Hà Nội đã chỉ đạo rất rõ là: Quy hoạch thực hiện theo nguyên tắc thuận thiên, là đô thị xanh, không "chồng chất" cao ốc dọc sông Hồng. Chủ trương "Nhà nước làm, không giao cho doanh nghiệp" lập quy hoạch đô thị sông Hồng là quyết định đúng đắn.
Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Theo dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện, quy hoạch này trải dài 40 km, từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (Thường Tín).
Phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích 11.000 ha thuộc địa giới 13 quận huyện (55 phường xã) gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Dân số theo quy hoạch khoảng 280.000 - 320.000 người (hiện trạng khoảng 235.000 người).
6 quy hoạch trên sẽ được trình Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong tuần sau để UBND thành phố chính thức phê duyệt, ban hành trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong quý I/2021.