Giá căn hộ chung cư liên tục lập đỉnh

Giá bán căn hộ tại khu vực phía Nam liên tục xác lập đỉnh mới. Điều này không chỉ khiến giấc mơ an cư của nhiều người dân ngày càng xa vời, mà còn gây hệ lụy tiêu cực cho thị trường bất động sản.

Xa vời giấc mơ an cư

Vào TP.HCM làm công nhân đến nay đã được hơn 15 năm, nhưng gia đình anh Nam (quê ở Quảng Bình) vẫn phải thuê trọ. Sau nhiều năm tích góp, anh dành dụm được khoảng 1 tỷ đồng để mua nhà, nhưng mấy tháng qua, vợ chồng anh đã lùng sục khắp "ngóc ngách" của TP.HCM tìm một chốn an cư, nhưng vô vọng.

"Cách đây chừng 3 năm, với số tiền này, vợ chồng tôi đã có thể mua được một căn hộ, nhưng hiện nay là điều không thể. Hầu hết các dự án căn hộ mà chúng tôi tìm đến, ngay cả ở các quận huyện vùng ven, thì giá thấp nhất cũng từ 2 tỷ đồng trở lên", anh Nam buồn bã nói.

Không chỉ công nhân, mà nhiều người là cán bộ, viên chức, nhân viên văn phòng, có thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng/tháng cũng khó có thể mua được nhà trong thời điểm hiện tại.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, các dự án phân khúc hạng C đã giảm đi rất nhiều so với trước, các căn hộ mức giá tầm 25-35 triệu đồng/m2 gần như "tuyệt chủng", mặt bằng giá liên tục tăng cao.

Giá căn hộ chung cư liên tục lập đỉnh - 1

Các dự án chung cư khu vực phía Nam đang tăng giá mạnh do khan hiếm nguồn cung.

Đơn cử, Dự án Flora Novia, mặt tiền đường Phạm Văn Đồng thuộc TP. Thủ Đức (TP.HCM), do Nam Long làm chủ đầu tư, bán ra từ cuối năm 2018 với mức giá trung bình khoảng 26 triệu đồng/m2. Hiện đang trong giai đoạn bàn giao nhà, nhưng mức giá giao dịch trên thị trường thứ cấp đã tăng khoảng 40 - 42 triệu đồng/m2. Kế bên, dự án căn hộ Him Lam Phú Đông được giao dịch trên thị trường thứ cấp với giá gấp đôi so với thời điểm mở bán.

Với dự án căn hộ Moonlight ở Thủ Đức, do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư, bàn giao nhà cho khách hàng cuối năm 2019, giá giao dịch hiện tại khoảng 50 triệu đồng/m2, gần gấp đôi so với lúc mở bán. Dự án Centum Wealth tại quận 9 do Thủ Đức House làm chủ đầu tư hiện cũng có giá thứ cấp khoảng 45 - 50 triệu đồng/m2, trong khi giá bán ra ban đầu là 38 triệu đồng/m2…

Đua theo đà tăng giá trên thị trường thứ cấp, các dự án mới gần đây cũng công bố mức giá liên tục "phá đỉnh", chẳng hạn Dự án King Crown Infinity trên đường Võ Văn Ngân (TP. Thủ Đức) có mức giá từ 80 - 90 triệu đồng/m2.

Tương tự, ở những khu vực lân cận như Bình Dương hay Đồng Nai, giá bán căn hộ chung cư hiện nay cũng lập đỉnh mới. Trong đó, phải kể đến hai thành phố trẻ là Thuận An và Dĩ An của Bình Dương, căn hộ tại khu vực này hiện đang giao dịch ở mức 35 - 40 triệu đồng/m2. Thậm chí, một vài dự án mới ra mắt gần đây có giá lên đến trên 40 triệu đồng/m2 - mức giá ngang bằng nhiều khu vực tại TP.HCM.

Giãi mã nguyên nhân

Các doanh nghiệp trong ngành địa ốc cho rằng, có 2 nguyên nhân chính khiến giá nhà tăng cao.

Thứ nhất là, chi phí xây dựng (nhân công, vật liệu…) đều tăng mạnh so với trước. Điều này có nghĩa là giá thành bán ra không thể giảm được.

Thứ hai là, thủ tục pháp lý để thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn trong suốt 2 năm qua, khiến dự án ra hàng rất ít. Cầu nhiều mà cung thiếu, khiến giá tăng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, việc đầu tư, phát triển dự án nhà ở, bất động sản, dự án đô thị còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các thủ tục về pháp lý, đất đai, dẫn đến nguồn cung hạn chế. Chính phủ đã yêu cầu các địa phương tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến phát triển dự án bất động sản cũng đang được tháo gỡ để tăng nguồn cung cho thị trường thời gian tới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, những giải pháp cần được đẩy nhanh hơn. Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, phân tích, khi hạn chế nguồn cung thì doanh nghiệp sẽ lựa chọn phân khúc có tỷ suất lợi nhuận cao. Do đó, về phía chính quyền cần sớm tháo gỡ các thủ tục pháp lý để tăng nguồn cung. Đồng thời, có chính sách phát triển căn hộ giá thấp, giá rẻ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.

Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, thẳng thắn, nếu thủ tục phát triển dự án không được nới ra, không chỉ giá nhà còn tăng, mà các chủ đầu tư cũng sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Doanh nghiệp nào có "của để dành" thì có thể duy trì được vài năm, còn không chắc chắn sẽ phải đóng cửa vì tín dụng cho bất động sản ngày càng hạn hẹp. Ngoài ra, các doanh nghiệp môi giới cũng khó khăn không kém vì không có hàng để bán.

Do vậy, để thị trường ổn định nguồn cung, tránh bất ổn xã hội, cần sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng. "Để làm dự án bất động sản, thì phải có đất, thuận lợi thủ tục hành chính và có tiền. Trong thế chân vạc này, thiếu một trong ba đều không được", ông Phúc nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm