Dòng vốn ngoại thúc đẩy bất động sản TP Thủ Đức bứt phá

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Với nhiều yếu tố động lực thúc đẩy mạnh mẽ, thành phố Thủ Đức đang được đánh giá là khu vực tiềm năng nhất trong tổng thể thị trường bất động sản TPHCM ở thời điểm hiện tại.

Hưởng lợi từ hạ tầng trọng điểm

Được định hướng phát triển thành trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính trọng yếu của không chỉ TPHCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố Thủ Đức đang được ưu ái áp dụng những chính sách, cơ chế phát triển đột phá, cũng như ưu tiên hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng.

Hàng loạt công trình trọng điểm như dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, đại lộ Mai Chí Thọ, hầm vượt 3 tầng Mỹ Thủy, giai đoạn 1 sân bay Long Thành... đang tăng tốc về đích. Bên cạnh đó, đường Vành đai 3 đang được đẩy nhanh xây dựng cũng sẽ cộng hưởng, góp phần tạo cú hích cho việc phát triển vùng đô thị vệ tinh ở cửa ngõ phía Đông thành phố. Tuyến đường với tổng chiều dài hơn 76 km, đi qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và Long An, sẽ giúp cho những dự án địa ốc chạy dọc vành đai sở hữu vị thế chiến lược, khi là nút giao kết nối TPHCM và vùng Đông Nam Bộ.

Các yếu tố đó chính là đòn bẩy cho bất động sản khu vực này bứt phá trong thời gian tới. Hiện nay, việc dân cư dần dịch chuyển ra các khu đô thị vệ tinh đã trở thành một xu thế tất yếu, khi không gian cư trú nội thành ngày càng bão hòa. Và khi mà các khu vực được quy hoạch trước cũng đã dần chật chội với các dự án đã thành hình, thì nơi còn nhiều quỹ đất chờ phát triển như khu Đông Sài Gòn sẽ trở thành tâm điểm với động lực phát triển và khả năng gia tăng giá trị.

Dòng vốn ngoại thúc đẩy bất động sản TP Thủ Đức bứt phá - 1

Thành phố Thủ Đức sở hữu nhiều tiềm năng tăng trưởng bất động sản tại TPHCM hiện nay (Ảnh: Sutterstock).

"Thỏi nam châm" công nghệ

Theo số liệu thống kê từ báo cáo mới nhất của Savills, số lượng sản phẩm sơ cấp ở TP Thủ Đức đã chiếm tới gần 50% tổng số lượng nguồn cung mới được tung ra trong quý IV/2022 tại thị trường TPHCM. Đáng lưu ý trong số đó, 30% là đến từ các dự án nằm tại khu vực quận 9 cũ.

Khi nhắc đến bất động sản khu Đông Sài Gòn, khu vực Thủ Thiêm, An Phú (quận 2 cũ) thường được chú ý nhiều hơn, vì sở hữu vị thế đắc địa ngay sát trung tâm thành phố. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập về cùng một đơn vị hành chính, TP Thủ Đức cũng được chú ý nhờ sở hữu một "thỏi nam châm" với hấp lực lớn, tiềm năng tăng trưởng dồi dào, là Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP).

Dòng vốn ngoại thúc đẩy bất động sản TP Thủ Đức bứt phá - 2

Khu công nghệ cao (SHTP) với sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản khu Đông.

Được thành lập vào năm 2022, SHTP được định hướng trở thành một tiểu đô thị khoa học, công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, hạt nhân của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM.

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, tính đến cuối tháng 6/2022, SHTP đã thu hút được 160 dự án (còn hiệu lực), trong đó có 70 dự án sản xuất công nghệ cao. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào đây bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 10,1 tỷ USD (51 dự án). Trong 51 dự án FDI này, có thương hiệu của các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới như Intel, Jabil (Mỹ); Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản); Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia).... Tổng lao động tại SHTP tính đến ngày 30/6/2022 là 51.910 người, trong đó có 51.340 lao động trong nước và 570 lao động nước ngoài.

Đây là nền tảng để các chủ đầu tư mạnh tay phát triển dự án tại khu vực này. Hiện nay SHTP đã lấp đầy hơn 85% đất thương phẩm, khi nguồn nhân lực chất lượng cao từ trong và ngoài nước đổ về trong tương lai gần, sẽ là "liều thuốc" kích thích bất động sản khu vực này, đặc biệt là những dự án nằm trong vành đai bao quanh SHTP. Để đón đầu làn sóng này, các chủ đầu tư nhanh nhạy, có tiềm lực lớn đã nhanh chóng cho ra mắt sản phẩm ngay trong nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường lúc này.

Mới đây nhất là dự án khu phức hợp căn hộ cao cấp của Gamuda Land - nhà phát triển địa ốc danh tiếng đến từ Malaysia, chủ đầu tư của 2 khu đô thị đình đám là Gamuda City rộng 274ha tại Hà Nội và Celadon City quy mô 82ha ở TPHCM. Dự án được đặt tên là Elysian, có tổng diện tích khoảng 3ha với quy hoạch 1.398 căn hộ đa dạng chủng loại 1-3 phòng ngủ, penthouse và 8 căn shophouse, tổng cộng 1.406 sản phẩm.

Dòng vốn ngoại thúc đẩy bất động sản TP Thủ Đức bứt phá - 3
Elysian là dự án khu phức hợp căn hộ cao cấp theo thiết kế biophilic độc đáo được phát triển bởi Gamuda Land, chủ đầu tư danh tiếng đến từ Malaysia (Ảnh phối cảnh dự án).

Ngoài việc sở hữu vị trí nút giao kết nối tốt, Elysian còn gây ấn tượng bởi quy hoạch tổng thể và định hướng kiến trúc biophilic độc đáo mà Gamuda Land áp dụng. Lấy cảm hứng từ các tầng sinh học của rừng, dự án được xây dựng theo hình tượng một "khu rừng thẳng đứng". Ngoài cảnh quan cây xanh mướt mát ở tầng trệt và tầng thượng, chủ đầu tư đã quy hoạch nhiều công trình sinh thái đan xen từ khu vực cảnh quan tiện ích ngoài trời cho đến dọc mặt ngoài của tòa nhà, từ tầng trệt đến nóc tòa nhà, để tạo nên những căn hộ giữa "rừng treo" đầy ấn tượng.

Dù chưa ra mắt chính thức, nhưng với vài thông tin vừa được hé lộ, Elysian đã thu hút sự chú ý của không chỉ giới đầu tư bất động sản, mà cả người mua nhà ở thực. Điều đó cho thấy sức hút của khu vực này. Với sự góp mặt của một "ông lớn" khối ngoại tiếng tăm, thị trường bất động sản nơi đây được kỳ vọng sẽ sôi động hơn nữa.