Động lực tăng trưởng ở TP Thủ Đức
(Dân trí) - Sở hữu nền tảng giao thông đa tầng, kết nối đa dạng và đồng bộ, TP Thủ Đức có nhiều triển vọng phát triển kinh tế, xã hội.
Hạ tầng kết nối đa tầng, đa điểm
Đóng vai trò như biểu tượng của giao thông hiện đại, tuyến metro số 1 có 10 trên tổng số 14 ga chạy xuyên suốt TP Thủ Đức, bắt đầu từ cầu Sài Gòn tới depot Long Bình. Trong tương lai, metro số 1 không dừng lại ở depot Long Bình mà dự kiến sẽ nối dài tới các đô thị liền kề như: Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương).
Ngay trong năm 2022, metro số 1 dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, đây là tiền đề quan trọng để mở ra kỷ nguyên giao thông hiện đại, đột phá kết nối cho TP Thủ Đức cũng như cả TPHCM.
Ngay sát cạnh depot Long Bình, một bến xe Miền Đông mới đã đi vào hoạt động, sẵn sàng đón hơn 7 triệu lượt hành khách/năm, tạo đầu mối luân chuyển khách nhộn nhịp và năng động đi đến các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc.
Ở cửa ngõ phía Đông của TP Thủ Đức, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Dây dự kiến mở 10-12 làn xe đang hoàn tất thủ tục để mở rộng trước năm 2025. Tuyến đường đóng vai trò cửa ngõ kết nối TPHCM với sân bay Long Thành cũng như đi tới các trọng điểm kinh tế, du lịch như Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang… Trong tương lai, dự án đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm tới sân bay Long Thành với chiều dài 37km đang được nghiên cứu giúp tối đa hóa khả năng kết nối qua cửa ngõ này.
Trong khi đó, giữ vai trò điều phối giao thông nội đô là tuyến vành đai 2 dài 64km, được quy hoạch rộng 60m. Ngoài ra, tuyến vành đai 3 theo quy hoạch rộng từ 6-8 làn xe, dài khoảng 89,3km, đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, và TPHCM.
Từ nay cho tới 2025, thành phố sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng hàng loạt hệ thống hạ tầng giao thông TP Thủ Đức, bao gồm xây dựng đoạn kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 4m, mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 77m, xây dựng đường kết nối cảng Cát Lái với đường vành đai 2.
Cùng với đó, thành phố đã thông qua đề án thu phí hạ tầng cảng biển, với nguồn thu khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm và chỉ tập trung đầu tư cho những tuyến đường ra vào cảng. Trong đó, khu vực TP Thủ Đức có nhiều tuyến đường quan trọng như vành đai 2, Mai Chí Thọ, Võ Chí Công, đường dẫn lên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tất cả tạo nên một khu vực "siêu hạ tầng kết nối" đa điểm, TP Thủ Đức sẽ là "nút giao" hội tụ các loại hình giao thông hiện đại từ đường sắt, đường sắt đô thị, đường bộ, đường thủy, đường hàng không, mở ra triển vọng phát triển vượt bậc.
Đòn bẩy phát triển các đô thị thông minh
Sự đột phá hạ tầng sẽ là nền tảng để phát triển đời sống kinh tế, xã hội. Đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, sức hấp dẫn của TP Thủ Đức đến từ tốc độ phát triển hạ tầng và quy hoạch tương lai. Khu vực này đang được đầu tư rất mạnh, kết nối nhanh chóng với trung tâm thành phố cũng như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới rót vốn đầu tư, kéo theo lượng người nhập cư, chuyên gia, công nhân.
"Việc hình thành các trung tâm tài chính, hành chính, công nghệ cao, sinh thái trong tương lai sẽ biến khu vực này trở thành một điểm sáng mới mẻ trong bức tranh thị trường bất động sản TP HCM", đại diện HoREA nói.
Với tiềm lực "siêu hạ tầng kết nối", các chuyên gia cho rằng TP Thủ Đức cần phải có những quy hoạch phát triển thị trường địa ốc tương xứng. Điều này đòi hỏi phải thu hút các chủ đầu tư có tiềm lực và tầm nhìn để sáng tạo những khu đô thị, dự án hòa hợp, liên kết liền mạch với hạ tầng công cộng đi kèm hệ thống giáo dục, y tế, tiện ích, giải trí,… kết nối xung quanh. Từ đó mới tạo nên một đô thị mang tính cân đối, có chiều sâu bền vững và người dân được hưởng lợi thực trong lâu dài.
Với định hướng phát triển gắn liền với quá trình số hóa, trong tương lai, Thủ Đức hứa hẹn thu hút giới trẻ, giới tri thức. Những phân khúc như nhà ở thông minh dự kiến là hướng ưu tiên của các chủ đầu tư bất động sản khu vực này.