Doanh nghiệp "ám ảnh" hồi tố: Bất thình lình mất ngay khoản tiền lớn

(Dân trí) - Chuyên gia chỉ ra rằng, doanh nghiệp còn bị “ám ảnh” bởi vấn đề hồi tố, khi các quy định áp dụng khác nhau, khiến bất thình lình, một ngày doanh nghiệp có thể bị cơ quan nhà nước yêu cầu nộp lại một khoản tiền lớn.

Doanh nghiệp ám ảnh hồi tố: Bất thình lình mất ngay khoản tiền lớn - 1

Thị trường bất động sản Việt Nam trong quá trình khởi sắc (ảnh minh họa).

Phát biểu tại một hội thảo mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực tế là có rất nhiều xung đột pháp luật.

"Đặc biệt nếu đi đến các địa phương sẽ gặp rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư về xây dựng, bất động sản gặp những vấn đề rất phức tạp", ông nói và dẫn ví dụ cho thấy có tới 20 ví dụ điển hình về xung đột giữa các bộ luật, thông tư trong lĩnh vực này.

Theo ông Tuấn, ví dụ như Điều 171.2 Luật Nhà ở yêu cầu thêm tài liệu ngoài các tài liệu quy định trong hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, trong khi Luật Đầu tư tại Điều 33 đã quy định các tài liệu này và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này.

“Ngoài 20 ví dụ điển hình, tôi tin rằng có thể tìm được rất nhiều trường hợp chồng chéo khác”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc chồng chéo luật sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật…

"Đáng nói là các doanh nghiệp còn bị “ám ảnh” bởi vấn đề hồi tố, khi các quy định áp dụng khác nhau, khiến bất thình lình, một ngày doanh nghiệp có thể bị cơ quan nhà nước yêu cầu nộp lại một khoản tiền lớn", ông cho biết.

Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, chất lượng văn bản pháp luật rất quan trọng, có tác động ngày càng lớn tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, giải pháp xây dựng pháp luật trong thời gian tới cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống chồng chéo pháp luật, tăng cường công khai, lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân.

"Đặc biệt, những văn bản luật có ảnh hưởng rộng rãi như các luật thuế thì không nên làm theo quy trình rút gọn để đảm bảo cho người dân và các đối tượng có liên quan được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng văn bản luật”, ông nói.

Đồng quan điểm, ông Mark Grillin, Trưởng nhóm công tác Thuế và Hải quan, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cũng cho rằng, điểm đầu tiên các nhà soạn thảo chính sách cần lưu ý là xác định những mục tiêu cụ thể khi xây dựng chính sách và thực hiện theo những mục tiêu này.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần xác định các đối tượng liên quan, đảm bảo có sự tham gia của họ trong suốt quá trình xây dựng chính sách, hiểu rõ mức độ ảnh hưởng lợi ích của chính sách đối với các bên liên quan, để loại trừ việc chính sách chỉ phục vụ lợi ích của một hoặc một số nhóm mà gây ra những rủi ro, thiệt hại cho các nhóm còn lại.

Đồng quan điểm với ông Mark, luật gia Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát cũng đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước cần công khai, minh bạch các văn bản pháp luật, nhất là các luật và chính sách về thuế, vì các chính sách thuế có tác động sâu rộng không chỉ đối với những đối tượng trực tiếp nộp thuế mà còn các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan.

"Theo một nghiên cứu của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt thì không chỉ người tiêu dùng và ngành công nghiệp nước giải khát bị ảnh hưởng mà 21 ngành công nghiệp phụ trợ và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng bị ảnh hưởng theo", ông nói.

Về giải pháp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật nhất thiết phải công khai, minh bạch dự thảo văn bản để người dân và doanh nghiệp có thể tham gia góp ý kiến, hạn chế tối đa việc áp dụng các thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tiến hành đánh giá tác động kinh tế-xã hội của các văn bản pháp luật và chính sách mới trước khi ban hành để không tạo ra những hệ quả không mong đợi.  

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm