Điều làm nên sự khác biệt trong ngày Quốc khánh Nhật Bản

Hoàng Anh

(Dân trí) - Ngày 11/2 là ngày Quốc khánh Nhật Bản, được tổ chức trên toàn quốc với nhiều lễ rước kiệu truyền thống, các hoạt động kỷ niệm thu hút đám đông tham gia chiêm ngưỡng.

Ngày Quốc Khánh Nhật Bản có tên Kenkoku Kinen no Hi, hay còn gọi là Ngày Thiên Hoàng, xuất phát từ lịch sử ngày này để tưởng nhớ ngày Thiên hoàng đầu tiên của nước Nhật là Jimmu lên ngôi vào năm 660 trước Công nguyên.

Sau nhiều thế kỷ, ngày để ghi nhớ sự kiện trọng đại này có sự sai lệch về thời gian. Trước kia, người Nhật tưởng nhớ ngày Thiên hoàng Jimmu lên ngôi vào dịp năm mới. Tuy nhiên, tới thời Meiji, khi nước Nhật chuyển từ dùng Âm lịch sang Dương lịch, ngày lễ này cũng được chuyển sang ngày 11/2.

Khác với nhiều quốc gia có Ngày Quốc khánh là ngày độc lập, Ngày Quốc khánh Nhật Bản là ngày đăng quang của Thiên hoàng đầu tiên trong lịch sử, cũng được coi là ngày lịch sử của nước Nhật bắt đầu.

Điều làm nên sự khác biệt trong ngày Quốc khánh Nhật Bản - 1

Lễ rước kiệu mừng Quốc khánh Nhật Bản. Ảnh: Theculturetrip

Là ngày lễ quốc gia, ngày quốc khánh được tổ chức kỷ niệm ở nhiều nơi trên khắp Nhật Bản để ghi nhớ lịch sử gắn liền với vị Thiên hoàng đầu tiên lập quốc. Tại Tokyo, khu Omotesando Dori tổ chức lễ diễu hành Ngày Quốc khánh từ sáng sớm với lễ rước kiệu mikoshi và đoàn người rước quốc kỳ tới đền Meiji Jingu.

Mỗi năm vào ngày 11/2, đền Meiji Jingu và nhiều ngôi đền đạo Shinto khác tại Nhật Bản đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc khánh có tên Kigensai. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của các ngôi đền đạo Shinto. Các nghi lễ Kigensai quy tụ hàng nghìn người tham gia rước kiệu cùng hàng chục nghìn du khách tham quan.

Điều làm nên sự khác biệt trong ngày Quốc khánh Nhật Bản - 2

Các hoạt động mừng Quốc khánh được tổ chức trên toàn nước Nhật. Ảnh: Theculturetrip

Vào Ngày Quốc khánh, Cung điện Hoàng gia Nhật Bản cũng tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Những hoạt động này thu hút du khách từ khắp Tokyo và trên toàn Nhật Bản tụ về để thể hiện lòng tôn kính với Thiên hoàng và lịch sử của đất nước. Tham gia các sự kiện mừng quốc khánh cũng là dịp người Nhật tưởng nhớ về các thế hệ đi trước, về lịch sử hào hùng của đất nước từ ngày lập quốc cũng như để cầu mong cho đất nước ngày càng phồn vinh.

Những người muốn tìm hiểu về sự kiện lịch sử gắn liền với Ngày Quốc khánh có thể tới thăm đền Kashihara, tỉnh Nara. Ngôi đền được cho là được xây dựng trên địa điểm nơi Thiên hoàng Jimmu làm lễ đăng quang vào năm 660 trước Công nguyên. Nơi đây cũng gần với nơi được cho là lăng mộ của Thiên hoàng Jimmu. Ngôi đền cũng tổ chức lễ diễu hành, lễ rước kiệu để mừng Quốc khánh.