Đại hạ giá, khách sạn vẫn ế

Nhiều khách sạn sụt giảm doanh thu nghiêm trọng vì không có khách, chủ đầu tư dự án không bán được hàng... là những gì đang diễn ra trên thị trường bất động sản (BĐS).

Đại hạ giá, khách sạn vẫn ế - 1

Bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch gặp sóng gió vì virus corona

Khách sạn liên tiếp bị hủy phòng 

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam đang đối mặt những hậu quả tiêu cực do dịch corona gây ra. Ông cho biết, thống kê cho thấy, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua, không chỉ từ các đoàn khách, khách công tác mà cả các khách lẻ.

Ông Gasparotti cho rằng, dịch virus corona gây ra 3 tác động trực tiếp đến ngành Du lịch Việt Nam. Đầu tiên là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam; thứ hai là sự sụt giảm khách quốc tế tại châu Á do đây được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao hơn so với những điểm đến du lịch khác và thứ ba là sự sụt giảm nguồn cầu du lịch trong nước.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Nha Trang cho biết, Nha Trang- Khánh Hòa được mệnh danh là nơi có vùng biển đẹp. Lượng khách Trung Quốc du lịch đến đây chiếm 45-50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. “Dịch khiến khách Trung Quốc không sang, đồng thời các công ty lữ hành của nước khác ngại cũng không sang. Ngành du lịch địa phương sụt giảm hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cho biết thêm, cách đây 7 năm, Khánh Hòa được xem là vùng đất du lịch ưa thích của người Nga nhưng khi Mỹ và châu Âu cấm vận Nga khiến đồng Rúp rớt giá nên người Nga không còn chi tiền đi du lịch như trước. Thị trường du lịch tại Khánh Hòa đã sụt giảm nghiêm trọng. Tình cảnh khó khăn đó đang lặp lại khi khách Trung Quốc đang dẫn đầu về khách quốc tế du lịch tại đây thì xảy ra dịch do virus corona.

Theo ông Vinh, dịch viêm phổi cấp do virus corona bùng phát khiến lượng khách đến Khánh Hòa giảm hẳn, nhiều khách sạn chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc hiện có công suất buồng phòng chỉ dưới 20%.

Ông Vinh dẫn chứng, tại Nha Trang có doanh nghiệp sở hữu 2 khách sạn, 3 du thuyền, 1 tháng thu nhập hàng chục tỷ đồng, nhưng giờ không có nguồn thu. Doanh nghiệp đều phải vay vốn, nếu mất khách, doanh nghiệp sẽ không có nguồn thu để trả lãi ngân hàng. “Trong thời điểm này, các khách sạn không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả đều nhiều khoản khác như điện, nước, lương nhân viên… và lãi suất ngân hàng”, ông Vinh nhận định.

Anh N.Q.Khánh, chủ của 3 khách sạn quy mô cỡ vừa ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng ngậm ngùi chia sẻ, do tác động của dịch corona, 2 tuần nay mất 8 tỷ đồng doanh thu vì lượng khách Trung Quốc hủy phòng.

Ông Nguyễn Công Hoan (Tổng Giám đốc HanoiRedtours) thông tin, chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán, đơn vị này đã buộc phải hủy chương trình của 5 đoàn  khách Việt mua tua sang Trung Quốc. Trung bình có 30 - 35 khách/ đoàn. Không chỉ thế, các tua Triều Tiên quá cảnh tại Trung Quốc cũng buộc phải hủy để đảm bảo sức khỏe, an toàn cao nhất cho du khách. Ngoài ra, theo ông Hoan, nhiều công ty lữ hành đưa ra những gói du lịch kích cầu, giảm giá tua còn một nửa so với trước cho khách nội địa trong thời gian dịch viêm phổi cấp do virus corona như: Tua đi Quy Nhơn ở khách sạn 5 sao FLC kèm bay hãng Bamboo với giá rẻ bất ngờ 2.590.000 đồng/người cho 3 ngày 2 đêm. Ngoài ra combo đi Phú Quốc nghỉ tại khách sạn 5 sao với giá 3.399.000/người cho 3 ngày 2 đêm (gồm cả vé máy bay khứ hồi); combo Nha Trang với giá 4.390.000 đồng/người 3 ngày 2 đêm (gồm vé máy bay, 2 đêm nghỉ khách sạn 5 sao, miễn phí bữa sáng và bữa tối)...

 Nhà đầu tư e dè

Chị Thu Hằng (34 tuổi, Hà Nội), nhà đầu tư BĐS nhiều năm cho biết: “Mọi năm cứ ra Tết, tôi đi nghỉ dưỡng khắp từ Bắc vào Nam vừa để nghỉ ngơi và cũng để tham quan các dự án đang chào bán. Tuy nhiên, năm nay vì dịch corona nên tạm thời bỏ ý định đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng vì những thông tin không khả quan về khả năng sinh lời”.

Là chủ đầu tư  và nhà phân phối nhiều dự án lớn, ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc sàn BĐS Đất Xanh Miền Bắc cũng nhận định, thị trường BĐS 2020 sẽ càng khó khăn hơn khi bị tác động bởi dịch bệnh. Nếu như tình hình kéo dài thêm rất có thể tâm lý nhà đầu tư bất ổn và sẽ chuyển hướng.

Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang cho biết, tại Nha Trang- Khánh Hòa có nhiều dự án đang xây dựng dở dang. Trước thông tin dịch do virus corona, nhiều nhà đầu tư bỏ đặt cọc, sản phẩm bất động sản không bán được khiến doanh nghiệp khó khăn. “Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư đang phải vay ngân hàng. Nếu như không giảm lãi, lùi thời hạn trả nợ sẽ có nhiều chủ đầu tư phá sản”, ông Vinh nói.

Phân tích về ảnh hưởng của dịch corona tới thị trường BĐS, một số chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhu cầu du lịch giảm mạnh.

Sáng 7/2, Tại Nha Trang, cuộc họp bàn cách gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch, nhiều thành viên trong Hiệp hội du lịch Nha Trang, Khánh Hòa nêu kiến nghị với hiệp hội đề nghị UBND tỉnh, Tổng cục Du lịch kiến nghị các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất hoặc khoanh nợ, giãn nợ hay hoãn thu tiền gốc và chỉ thu tiền lãi để các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo Ngọc Mai

Tiền Phong