Đại gia một thời có giá cổ phiếu cao nhất Việt Nam nay làm ăn ra sao?
(Dân trí) - Quý III vừa qua, lợi nhuận của chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Tân Uyên sụt giảm đến 50% so với cùng kỳ, chỉ còn 49 tỷ đồng.
Lợi nhuận cao hơn cả doanh thu
Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán: NTC), doanh nghiệp làm chủ đầu tư khu công nghiệp cùng tên tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, vừa công bố số liệu tài chính quý III với lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ 2020.
Nguyên nhân đến từ việc doanh thu của Nam Tân Uyên chỉ đạt 37 tỷ đồng trong 3 tháng qua, giảm sâu so với doanh số hơn 100 tỷ đồng quý III/2020. Chủ đầu tư khu công nghiệp này lý giải, năm nay, công ty không ghi nhận doanh thu một lần từ hợp đồng thuê đất của khách hàng như cùng kỳ năm trước.
Doanh thu sụt giảm mạnh nhưng giá vốn của doanh nghiệp lại không giảm đáng kể khiến hiệu quả kinh doanh đi xuống rõ rệt. Biên lãi gộp trong kỳ vừa qua của Nam Tân Uyên chỉ đạt 43% trong khi cùng kỳ năm trước lên tới 80%.
Doanh số từ hoạt động kinh doanh chính của Nam Tân Uyên còn thấp hơn cả nguồn thu từ hoạt động tài chính 42 tỷ đồng, bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng, lãi cho vay cùng cổ tức được chia từ các công ty khác.
Sau khi hạch toán các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp không chênh lệch so với cùng kỳ, Nam Tân Uyên báo lãi sau thuế 49 tỷ đồng. So với mức lãi 98 tỷ đồng của quý III/2020, lợi nhuận của công ty giảm sâu 50%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, chủ đầu tư khu công nghiệp tại Bình Dương đạt doanh thu thuần 165 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng lên tới 212 tỷ đồng cũng nhờ nguồn thu lớn từ hoạt động tài chính. So với kế hoạch lợi nhuận cả năm 227 tỷ đồng, công ty đã gần cán đích.
31 tỷ đồng nợ xấu khó thu hồi
Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Nam Tân Uyên là hơn 4.100 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp chiếm gần 3.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, dư nợ vay ngân hàng của công ty từ gần 600 tỷ đồng vào đầu năm nay đã giảm xuống còn dưới 200 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc tháng 9.
Đặc biệt, Nam Tân Uyên còn khoản doanh thu nhận trước gần 3.000 tỷ đồng. Đây là doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp của công ty và sẽ được phân bổ dần vào doanh thu hoạt động kinh doanh trong các năm tiếp theo, căn cứ thời gian thuê đất còn lại khách hàng đã trả tiền trước.
Trên báo cáo tài chính, Nam Tân Uyên tiếp tục trích lập nợ xấu 31 tỷ đồng, bao gồm 11 tỷ đồng đầu tư gián tiếp vào dự án Làng biệt thự Du lịch sinh thái tại quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức), TPHCM và 20 tỷ đồng khoản phải thu gồm gốc, lãi hợp tác kinh doanh với Công ty Chứng khoán Delta.
Trong số này, dự án bất động sản tại quận 9 cũ đã bị cơ quan chức năng thu hồi, chuyển đổi mục đích nên công ty xác định khó thu hồi khoản đầu tư. Với thương vụ còn lại, công ty chứng khoán đối tác gặp khó khăn, hợp đồng đã hết hạn quá 3 năm nhưng chưa vẫn chưa thể thanh toán gốc, lãi nên Nam Tân Uyên cũng trích lập dự phòng 100% khoản đầu tư.
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu NTC của Nam Tân Uyên đóng cửa phiên 15/10 ở mức giá 169.000 đồng. Đây là cổ phiếu có thị giá cao thứ hai trên sàn UPCoM, sau VEF (184.000 đồng) của Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam.
Trước đó, NTC từng có những thời điểm là cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với mức đỉnh gần 290.000 đồng thiết lập hồi tháng 1. Nhưng sau đó, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp này giảm mạnh, đã mất gần 40% giá trị so với hồi đầu năm, trong khi thị trường chứng khoán nhìn chung tăng trưởng mạnh.
Cơ cấu cổ đông của Nam Tân Uyên hiện tại gồm 3 cổ đông lớn lần lượt là Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (32,9%), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (20,4%), Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (19,6%). Các cổ đông còn lại nắm giữ 27% vốn điều lệ doanh nghiệp.