Có nên rót tiền vào lô đất tăng giá 400% sau 3 tháng?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Dù hạ nhiệt, mặt bằng giá bất động sản tại nơi từng "sốt nóng" đã lên rất cao và đôi khi phi thực tế, tách biệt khỏi quy luật về giá cả, giá trị. Việc đầu tư, theo giới chuyên gia, cần thật cẩn trọng.

Lãi suất thấp, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, không ít nhà đầu tư vẫn chờ rót tiền vào bất động sản khi cơ hội. Vậy liệu sau dịch Covid-19, đất nền tại các khu vực đã "sốt" có cơ hội phục hồi, nhà đầu tư có nên tiếp tục rót tiền vào?

Trả lời câu hỏi này, chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh đã kể lại về trải nghiệm cá nhân của mình khi từng đi vào "tâm điểm" sốt đất ở Hớn Quản khi có thông tin quy hoạch sân bay Técníc (Bình Phước).

Có nên rót tiền vào lô đất tăng giá 400% sau 3 tháng? - 1

Mặt bằng giá bất động sản tại nơi từng "sốt nóng" đã lên rất cao và đôi khi phi thực tế, tách biệt khỏi quy luật về giá cả, giá trị (Ảnh minh họa: Nguyễn Mạnh).

Sau khi khảo sát, nghiên cứu, vị chuyên gia cho biết đã đến một dự án là một trung tâm thương mại ở Bình Phước. Ông Chánh được người khác giới thiệu cho một lô đất và nói rằng: "Anh mua đi, đất tốt lắm. Có nhiều người đang đổ dồn về đây để mua". Ông kể khi hỏi về giá, người này nói trước Tết có người hỏi nhưng không bán, bây giờ đang cần bán lại với giá 3,4 tỷ đồng. Đó là lô đất phía trong. Còn miếng phía ngoài được rao 4 tỷ đồng. 

"Bằng các nghiệp vụ điều tra bất động sản, tôi biết lô đất góc mà chị kêu bán giá 4 tỷ đồng đó, trước Tết người ta rao chỉ có một tỷ thôi. Có nghĩa là chỉ sau 3 tháng, lô đất tăng 400%", ông Chánh cho hay.

Trở lại với câu hỏi có nên đầu tư vào nơi từng là điểm "nóng sốt", ông Chánh cho biết, dù hạ nhiệt song mặt bằng giá bất động sản tại nơi đó đã lên rất cao và đôi khi phi thực tế, tách biệt khỏi quy luật về giá cả, giá trị. Chúng ta hay nói giá trị bất động sản sẽ được phản ánh qua giá cả, nhưng trong trường hợp "nóng sốt", giá cả bị tách ra, cách ly khỏi giá trị rồi. Rất nguy hiểm cho những nhà đầu tư lao vào những vùng đất "nóng sốt".

Vị chuyên gia lấy vị thêm về thị trường Đà Nẵng, nơi từng có đợt "sốt" đất vào năm 2019. Mãi đến giai đoạn hiện nay, khi những người từng bán ruộng đất của mình cầm tiền quay lại mua, thì họ có thể mua lại với giá chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với giai đoạn "sốt". Còn những người đã xuống tiền vào giai đoạn đó có thể phải chờ 10-15 năm để giá trị của miếng đất bằng với giá cả mà họ đã mua.

"Đó là những bài học không đơn giản và phải trải qua thực tế đầu tư mới thấm thía hết", ông Chánh nhận định. Lời khuyên của vị chuyên gia dành cho những nhà đầu tư mới quá là không nên lao vào những khu vực "nóng sốt", vì thường sẽ "mắc kẹt" ở đó trong thời gian rất dài.

Ông Chánh nhấn mạnh, với tài sản như bất động sản thì tính thanh khoản là yếu tố nên được đặt lên hàng đầu. Nếu không nghiên cứu kỹ, khả năng mất đi tính thanh khoản và chôn vốn rất lớn là hết sức nguy hiểm và khó khăn cho những nhà đầu tư mới.

Ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính cũng nhấn mạnh, thời điểm này nếu muốn mua bất động sản, người bán và người mua phải chờ qua tháng 10. Các phương án chống dịch Covid-19 của TPHCM hiệu quả thì cũng đến hết tháng 9 mới có thể tháo gỡ giãn cách và qua tháng 10 mới đi lại được.

"Bất động sản rất ít mua bán online, ngoại trừ những dự án chuẩn module như căn hộ, bất động sản nghỉ dưỡng... nhà đầu tư có thể tiếp nhận thông tin đầy đủ và chăm sóc tốt từ các nhân viên môi giới", ông Hiển nói.

Còn với đa phần bất động sản phổ biến hiện nay, theo ông Hiển, người mua phải đến tận nơi để nắm bắt đầy đủ thông tin và "chốt" hợp đồng. Cho nên phải đến tháng 10 thì 2 bên mới có thể "gặp nhau", còn trước đó thì chúng ta chỉ có thể tích cực nghiên cứu và tính toán thôi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm