Buổi rước kiệu 5.000 người trong lễ hội lớn nhất miền Tây Nhật Bản

Minh Hương

(Dân trí) - Được coi là một trong những lễ hội sôi động nhất miền Tây Nhật Bản, lễ hội Hadakanbo có số lượng nam giới tham gia lễ rước kiệu lên tới 5.000 người.

Buổi rước kiệu 5.000 người trong lễ hội lớn nhất miền Tây Nhật Bản - 1

Đám đông nam giới tiến vào đền Hofu Tenmangu khi lễ hội bắt đầu. (Ảnh: Anecdotasdejapon)

Tuy được xếp vào một trong ba lễ hội khỏa thân lớn nhất Nhật Bản, nhưng người tham gia lễ hội Hadakanbo được đánh giá là ăn mặc kín đáo nhất so với những lễ hội tương tự ở Nhật. Những người đàn ông tham gia lễ hội mặc trang phục hoàn toàn màu trắng hoặc đóng khố. Vì vậy thật ngạc nhiên khi lễ hội này vẫn được coi là lễ hội khoả thân.

Lễ hội Hadakanbo là sự kiện truyền thống tại tỉnh Yamaguchi, được tổ chức hơn 1.000 năm qua. Lễ hội bắt nguồn từ hình thức chào đón học giả nổi tiếng Nhật Bản Sugawara no Michizane khi ông đến thăm thành phố Hofu.

Các sự kiện chính trong lễ hội Hadakanbo diễn ra vào khoảng chiều muộn ngày 25/11, nhưng người dân và du khách đổ về đền Hofu Tenmangu - nơi diễn ra lễ hội - từ sớm để cầu nguyện.

Buổi rước kiệu 5.000 người trong lễ hội lớn nhất miền Tây Nhật Bản - 2

Đám đông rước kiệu mikoshi ra khỏi đền và đi diễu hành trên đường phố. (Ảnh: Anecdotasdejapon)

Vào 18h, thời điểm lễ hội chính thức bắt đầu, những người đàn ông tham gia lễ hội Hadakanbo mặc trang phục hoàn toàn màu trắng hoặc đóng khố cầm theo những chiếc đèn lồng tiến vào cổng chính đền Hofu Tenmangu.

Họ rước chiếc kiệu di động mikoshi, nơi linh hồn vị thần đền ngự, đi qua các con phố trong thành phố Hofu, với ánh sáng từ những chiếc đèn lồng dẫn đường. Vừa đi, đám đông vừa hô vang khẩu hiệu.

Buổi rước kiệu 5.000 người trong lễ hội lớn nhất miền Tây Nhật Bản - 3

Đám đông đi diễu hành trong đêm với ánh sáng từ những chiếc đèn lồng. (Ảnh: Anecdotasdejapon)

Lễ hội Hadakanbo được coi là một trong những lễ hội sôi động nhất miền Tây Nhật Bản, với số lượng nam giới tham gia lễ rước kiệu lên tới 5.000 người. Họ cùng nhau rước những chiếc kiệu di động từ đền Hofu Tenmangu tới một ngôi đền khác ở Katsuma-no-ura. Tại đây, nghi lễ được cử hành và chiếc kiệu di động lại được khiêng về đền Hofu Tenmangu.

Khung cảnh ấn tượng nhất trong lễ hội là dòng người đông đúc tràn qua thành phố cùng ánh đèn lồng chiếu rọi và tiếng hô khẩu hiệu ngân vang. Cảnh tượng đáng nhớ khác là khi đám đông nam giới cùng nhau hợp lực kéo cỗ xe chở chiếc kiệu di động khổng lồ xuống bậc thềm đá dốc cao của đền Hofu Tenmangu và kéo chiếc xe lên trong chiều về.

Buổi rước kiệu 5.000 người trong lễ hội lớn nhất miền Tây Nhật Bản - 4

Khu vực quầy bán đồ ăn trong lễ hội. (Ảnh: Anecdotasdejapon)

Nghi thức rước kiệu xuất phát từ niềm tin rằng vị thần đền có thể mỏi mệt khi phù trợ cho những lời cầu xin của dân chúng trong năm. Vì vậy, khi đám đông mang linh hồn vị thần đền ra ngoài, đặt trên chiếc kiệu và đi diễu hành trên đường phố, hành động di chuyển này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho vị thần để ngài có thể tiếp tục phù trợ cho điều ước của người dân trong năm tới.

Buổi rước kiệu 5.000 người trong lễ hội lớn nhất miền Tây Nhật Bản - 5

Nam giới tham gia lễ hội trong trang phục màu trắng hoặc đóng khố. (Ảnh: Anecdotasdejapon)

Vào chiều ngày 26/11, phụ nữ trong vùng cũng tham gia lễ hội và tổ chức rước kiệu mikoshi. Lý do nam giới tham gia lễ hội chỉ đóng khố hoặc mặc trang phục trắng là để biểu trưng cho việc phụng sự vị thần đền trong trạng thái tự nhiên và nguyên bản nhất của con người.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm