1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Bước tiến lớn về hạ tầng của Bình Chánh

Trường Thịnh

(Dân trí) - Bên cạnh định hướng phát triển lên thành phố, Bình Chánh đang đứng trước tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ quy tụ loạt hạ tầng giao thông trọng điểm.

Bình Chánh là một trong ba huyện có định hướng phát triển lên thành phố trong giai đoạn tới chứ không thành quận như huyện Nhà Bè và Hóc Môn. Hiện Bình Chánh đang rà soát lại các tiêu chí lên thành phố để xác định phân kỳ đầu tư 4 năm tới, ước tính kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản như giao thông, trường học... khoảng 44.000 tỷ đồng.

Bước tiến lớn về hạ tầng của Bình Chánh - 1
Giao lộ Võ Văn Kiệt - Quốc lộ 1A, thuộc địa phận Bình Chánh (Ảnh: An Gia).

Đóng vai trò là mạch nối quan trọng của cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM, hạ tầng Bình Chánh được đầu tư bài bản. Huyện có mạng lưới liên kết vùng hoàn thiện với các tuyến huyết mạch như Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận...

Thời gian tới, khi triển khai dự án Metro 3A (Bến Thành - Tân Kiên) có chiều dài 20km với 18 nhà ga và tổng mức đầu tư khoảng 68.000 tỷ đồng, nối trực tiếp với tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đi qua trung tâm, kết nối khu vực Đông Bắc và Tây Nam thành phố. Với sự hiện diện của mạng lưới Metro hoàn chỉnh cùng hệ thống xe buýt kết nối, thời gian di chuyển từ khu vực này vào trung tâm TPHCM sẽ được rút ngắn chỉ còn 15-20 phút.

Dự án tuyến buýt nhanh BRT số 1 trị giá gần 3.300 tỷ đồng, chiều dài 26 km đi qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh được TPHCM dự kiến khởi công năm 2022, hoạt động vào năm 2023. Sau khi bến xe Miền Tây mới (huyện Bình Chánh) hoàn thành, lộ trình tuyến sẽ được nối dài đến bến xe này. Dọc theo tuyến có 31 trạm dừng, 4 nhà ga, 2 trạm trung chuyển.

Trong tương lai dự kiến triển khai tuyến đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ có chiều dài 135 km, với 9 nhà ga, trong đó ga Tân Kiên (Bình Chánh) được đề xuất bổ sung chức năng khu đô thị với tổng diện tích 352 ha.

Bước tiến lớn về hạ tầng của Bình Chánh - 2
Hướng tuyến theo đề xuất mới của đường sắt TP HCM - Cần Thơ (Ảnh: An Gia).

Ngoài ra, dự án Vành đai 2 đi qua địa bàn TP Thủ Đức, quận 2, 7, 8, 12 và huyện Bình Chánh, Hóc Môn vốn đầu tư 12.540 tỷ đồng. Vành đai 3 kết nối các tuyến giao thông huyết mạch TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1 và 22 vốn đầu tư 250.000 tỷ đồng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới liên kết vùng của địa phương.

Bên cạnh đó, Bình Chánh cũng tập trung đầu tư, nâng cấp trục quốc lộ 50; mở rộng Quốc lộ 1A lộ giới 120m. Đồng thời, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tuyến đường giao thông huyết mạch như đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh giúp việc di chuyển về trung tâm quận 1 hay Phú Mỹ Hưng thuận lợi.

Trong lộ trình lên thành phố của Bình Chánh, khu trung tâm hành chính được xem là hạt nhân cho sự phát triển của địa phương và được đẩy mạnh đầu tư nhiều năm qua. Toàn khu hành chính tọa lạc tại trung tâm thị trấn Tân Túc, được quy hoạch với hàng loạt tiện ích công đa dạng bao gồm UBND, chi cục thuế, trụ sở công an, bệnh viện, trường mầm non, nhà thiếu nhi, công viên kiểu mẫu rộng 2ha...

Bao quanh khu vực này nhanh chóng hình thành các cung đường thương mại sầm uất, như đường Nguyễn Hữu Trí, đường Tân Túc (rộng 6 làn xe).

Sở hữu lợi thế hạ tầng, nhiều dự án lớn đang được hình thành gần trung tâm hành chính, tạo ra chuỗi đô thị hóa hiện đại liên hoàn, mang đến diện mạo mới cho nơi đây.

Bước tiến lớn về hạ tầng của Bình Chánh - 3
Phối cảnh khu phức hợp Westgate tại Bình Chánh (Ảnh: An Gia).

Đơn cử, khu phức hợp Westgate được An Gia nằm tại lõi trung tâm hành chính Bình Chánh với quy mô hơn 3,1 ha, cung ứng hơn 2.000 căn hộ. Chủ đầu tư cho biết, dự án này được thừa hưởng nhiều lợi thế từ sự sầm uất của khu vực, cộng đồng dân cư văn minh, dân trí cao, liền kề UBND và cơ quan công an Bình Chánh. Bên cạnh đó, dự án còn được quy hoạch nhiều tiện ích nội khu đẳng cấp nhằm kiến tạo một không gian sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của cư dân thành thị tương lai.

Nhiều chuyên gia nhận định, trung tâm hành chính Bình Chánh với vai trò hạt nhân trong chiến lược phát triển đô thị vệ tinh khu Tây Sài Gòn, sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, tạo đà cho thị trường bất động sản khu vực này phát triển, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi từ huyện lên thành phố trong tương lai.