Bỏ 2 tỷ đồng mua đất ngoại ô: Vợ chồng trẻ làm nhà vườn, tay lái xế hộp
(Dân trí) - Thay vì mua nhà phố, nhiều người trẻ hiện nay sẵn sàng bỏ 2 tỷ đồng để mua nhà ven đô, kèm theo ô tô để phục vụ việc di chuyển hằng ngày.
Trong 10 năm gần đây, số lượng người trẻ dưới 35 tuổi có nhu cầu mua nhà ngày càng tăng. Theo ghi nhận của DKRA Vietnam, trong năm 2018, tỷ lệ số lượng người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà đã tăng lên 23%.
Không chỉ tăng mạnh về số lượng, tư duy mua nhà của người trẻ cũng đã thay đổi. Nếu như trước kia, người trẻ thường mua nhà trong trung tâm thành phố với mức giá cao, thì nay họ có xu hướng dịch chuyển về một số vùng ven đô với mức giá mềm hơn.
Số tiền chênh lệch giữa nhà phố và nhà ven đô, người trẻ mua thêm ô tô để phục vụ cho công việc và cuộc sống hằng ngày.
Anh Phan Trọng Tuấn Anh, một doanh nhân trẻ trong lĩnh vực công nghệ - thông tin cho rằng, môi trường sống trong trung tâm thành phố đã quá chật chội, ồn ào, nên việc chuyển nhà ra ven đô là xu hướng tất yếu và sẽ nở rộ trong thời gian tới.
Cách đây khoảng 1 năm, sau nhiều năm bươn chải, anh Tuấn Anh tiết kiệm được 2 tỷ đồng và có ý định mua nhà để lấy vợ.
Với khoảng tiền đó, anh đã nghĩ tới việc mua một căn hộ bình dân 2 phòng ngủ chưa có nội thất, diện tích khoảng 62 m2 tại quận Thanh Xuân.
Mức giá chào bán căn hộ này là 34 triệu đồng/m2, tổng chi phí sẽ là 2,1 tỷ đồng. Nếu cộng thêm một số chi phí ban đầu kèm nội thất, số tiền anh Tuấn Anh sẽ phải bỏ ra khoảng 2,5 tỷ đồng, vượt quá khoản tiết kiệm 2 tỷ đồng.
Sau một thời gian tìm hiểu thị trường, vị doanh nhân trẻ đã thay đổi ý định và lựa chọn căn hộ khác cùng phân khúc, nhưng có vị trí xa trung tâm thành phố hơn. Bù lại, mức giá mà chủ đầu tư đưa ra dễ chịu hơn, khoảng 23 triệu đồng/ m2 (rẻ hơn 30%).
Sau khi nhận nhà và vẫn còn dư ra 500 triệu đồng, anh Tuấn Anh quyết định mua thêm 1 chiếc ô tô trả góp. Như vậy, 2 yêu cầu do anh đặt ra là mua nhà và mua ô tô đã thực hiện được cùng một lúc.
“Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội đã tương đối hoàn thiện. Nên việc ở nhà phố hay ở ven đô đã không còn nhiều khoảng cách”, anh Tuấn Anh nói.
Có cùng xu hướng trên, chị Bích Vân (31 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, trước đây, khi biết chị có ý định mua nhà tại Gia Lâm, nhiều người thân gia đình đã ngăn cản với nhiều lý do khác nhau, ví dụ như sống ven đô buồn chán, ít chỗ giải trí, xa trung tâm,...
Tuy nhiên, sau 1 thời gian hưởng thụ bầu không khí trong lành, ngập tràn cây cối, hồ nước, chị Vân rút ra được kết luận: “Sống ven đô sướng hơn trung tâm”.
Dưới góc độ đầu tư, nhà ven đô có tốc độ tăng giá nhanh gấp 2 - 3 lần so với trung tâm thành phố. Đơn cử, căn hộ của chị Vân mua đã tăng 20% chỉ sau 1 năm.
“Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, chỉ vài năm nữa, ven đô cũng trở thành trung tâm. Cho đến lúc đó, tôi cũng sẽ suy nghĩ việc chuyển nhà một lần nữa ra xa hơn”, chị Vân cho biết.
Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia BĐS cho biết, trước cuộc sống chật chội của đô thị, giới trẻ hiện nay đang nở rộ phong trào “bỏ phố về quê” hay “tối ở nông thôn, sáng đi ô tô vào thành phố làm việc”.
Theo ông Tuấn, 2 xu hướng này xuất phát từ nhu cầu thực tế của giới trẻ hiện nay, là cần một không gian sống thoải mái, thay vì sống trong những ngôi nhà “hộp” chật chội trong trung tâm thành phố.
“Với 2 tỷ đồng, giới trẻ vẫn có sự lựa chọn trong trung tâm, với diện tích nhỏ. Tuy nhiên, cuộc sống của họ sẽ phải đối mặt với tắc đường, ồn ào tiếng còi xe.
Trong khi đó, cũng với 2 tỷ đồng, giới trẻ có thể mua một mảnh đất rộng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần và có thể sở hữu một mảnh vườn nhỏ. Hoặc 2 tỷ đồng, giới trẻ có thể vừa mua nhà, vừa mua ô tô để phục vụ cuộc sống. Đó chính là lý do vì sao, giới trẻ hiện nay thích ở vùng ven hơn”, ông Tuấn nói.
Việt Vũ