Biểu tượng ánh sáng của nước Nhật mùa lễ hội

Minh Hương

(Dân trí) - Được du nhập từ Trung Quốc, những chiếc đèn lồng đã hòa nhập và trở thành một phần của văn hóa Nhật Bản.

Đèn lồng xuất hiện rất nhiều trong các lễ hội và cả trong cuộc sống thường ngày của người dân xứ Phù Tang.

Biểu tượng ánh sáng của nước Nhật mùa lễ hội - 1

Những chiếc đèn lồng treo bên ngoài cửa hàng ở Nhật Bản. (Ảnh: Kyotoproject.org) 

Khi đi dạo trên những con phố Kyoto vào buổi đêm, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc đèn lồng giấy treo trước những quán rượu Nhật Bản hay tiệm mì ramen. Đặc biệt, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vô số chiếc đèn lồng treo thành hàng tại các lễ hội Nhật Bản. 

Những chiếc đèn lồng truyền thống Nhật Bản có tên là chouchin. “Chou” có nghĩa là để treo, còn “chin” có nghĩa là ngọn đèn. Xưa kia, những chiếc đèn lồng chouchin được người dân Nhật Bản sử dụng để soi đường đi trong đêm tối. Ngày nay, những chiếc đèn lồng được ứng dụng rất nhiều trong trang trí và sinh hoạt của người dân.

Lịch sử những chiếc đèn lồng chouchin

Biểu tượng ánh sáng của nước Nhật mùa lễ hội - 2

Những chiếc đèn lồng giấy Nhật Bản. (Ảnh: Kyotoproject.org)

Những chiếc đèn lồng giấy cũng biến đổi cùng với sự phát triển của đời sống xã hội Nhật Bản hàng trăm năm qua. Những chiếc đèn lồng giấy Nhật Bản xuất hiện lần đầu tiên vào thời Muromachi (1336-1573). 

Khi đó, những chiếc đèn lồng giấy được du nhập từ Trung Quốc và có hình dạng như chiếc giỏ làm từ tre. Đèn này có thiết kế rất khác so với đèn lồng Nhật Bản ngày nay. Chúng đã biến đổi rất nhiều và mang đậm phong cách Nhật Bản qua hàng thế kỷ được bảo tồn và phát triển.

Sau vài thế kỷ du nhập, những chiếc đèn lồng thiết kế gấp kiểu Trung Quốc được cải tiến rất nhiều. Người Nhật khi đó dùng đèn lồng trong đám tang. Các chiến binh Nhật Bản cũng sử dụng đèn lồng khi chiến đấu.

Đèn lồng trở nên phổ biến hơn trong thời Edo (1603-1868) khi không chỉ những người có địa vị mà dân thường cũng có thể sử dụng đèn lồng trong đời sống thường ngày. 

Cùng với sự phát triển của hoạt động thương mại, ngày càng nhiều người có nhu cầu ra ngoài vào ban đêm. Khi đó, những chiếc đèn lồng giúp họ soi sáng và trở thành một phần trong nhịp sống thường ngày.

Cách làm đèn lồng chouchin

Những chiếc đèn lồng giấy Nhật Bản khá dễ làm. Khung chính của thân đèn được làm từ tre, bọc bên ngoài là một loại giấy thủ công Nhật Bản có tên washi được dán lên khung tre bằng hồ. Quá trình nắn những thanh tre thành vòng tròn để tạo thành khung chiếc đèn lồng hình tròn quyết định rất nhiều tới hình dạng và vẻ đẹp của chiếc đèn lồng, đòi hỏi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. 

Thời xưa, đèn lồng Nhật Bản được thắp sáng bằng nến. Nhờ lớp giấy washi bên ngoài, ngọn lửa nến hiếm khi bị tắt. Những chiếc đèn lồng hiện đại ngày nay chủ yếu sử dụng đèn điện. 

Chouchin ngày nay được dùng như thế nào?

Biểu tượng ánh sáng của nước Nhật mùa lễ hội - 3

Đèn lồng chouchin trong lễ hội Nhật Bản. (Ảnh: Getty)

Ngày nay, những chiếc đèn lồng giấy Nhật Bản được dùng trong rất nhiều dịp khác nhau, đặc biệt là trong những dịp lễ hội. Trong lễ Obon vào những tuần đầu tiên của tháng 8, các gia đình Nhật Bản vẫn giữ tục lệ treo những chiếc đèn lồng giấy trước cửa nhà để dẫn lối cho linh hồn tổ tiên tìm đường về nhà. Vào dịp này, những chiếc đèn lồng được gọi là bon chouchin. 

Những chiếc đèn lồng chouchin còn được dùng để trang trí tại các nhà hàng Nhật Bản để thu hút sự chú ý của người đi đường. Vào dịp lễ hội, những chiếc chouchin được treo thành hàng, tạo nên không gian lễ hội đậm chất Nhật Bản. Đèn lồng còn được thả trên sông hoặc thả lên trời vào các dịp lễ hội. Người Nhật tin rằng những ngọn đèn này sẽ dẫn lối cho linh hồn người thân tìm thấy nơi yên nghỉ an lành. Nhiều gia đình Nhật bản cũng sử dụng đèn lồng như một loại đèn trang trí trong nhà, trong sân vườn.