Bất động sản du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao trong năm 2020
(Dân trí) - TS. Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, chưa bao giờ ngành du lịch của Việt Nam bùng nổ như hiện nay. Theo ông Khánh, để đạt được 8 triệu khách quốc tế đầu tiên chúng ta đã trải qua 21 năm (1994-2015), nhưng ở giai đoạn phát triển bùng nổ vừa qua, để đạt 8 triệu tiếp theo chúng ta chỉ cần 3 năm (2015-2018).
"Dự báo đến năm 2020 đón 21 triệu lượt khách quốc tế, đến 2025 đón 32 triệu lượt và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9-11%/năm. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, du lịch Việt Nam sẽ cất cánh và phát triển lên tầm cao mới thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thập kỷ tới", ông Khánh khẳng định
Cũng theo ông Khánh với sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua đã thúc đẩy làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ du lịch...tại các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là các địa phương như Hạ Long, Nha Trang,Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu... .
Ông Khánh cũng khẳng định đầu tư vào bất động sản du lịch mang lại giá trị gia tăng vượt trội hơn hẳn các kênh đầu tư vào bất động sản loại hình khác. Bất động sản du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao nếu lựa chọn đúng địa bàn, đúng loại hình phù hợp với xu hướng nhu cầu của thế hệ khách du lịch mới, thời kỳ gắn với cách mạng công nghiệp 4.0.
Quan sát trên thị trường có thể thấy, hiện nay các loạt hình bất động sản du lịch đang ngày càng trở nên phong phú. Cụ thể, nếu như trước đây chỉ là các tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng thông thường thì hiện nay nhiều chủ đầu tư đang phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm từ du lịch giải trí, thể thao biển cho đến du lịch chăm sóc sức khỏe, tái tạo năng lượng.
Một năm trở lại đây, cuộc chơi bất động sản nghỉ dưỡng giải trí biển vẫn đang tiếp diễn trên thị trường, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng có hướng đi mới, tập trung nhiều hơn đến lĩnh vực nghỉ dưỡng, giải trí thể thao biển. Có thể kể đến như tại Ninh Thuận, Tập đoàn Crystal Bay và các đối tác đã khởi tạo tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang thuộc khu vực công viên biển Bình Sơn. Đây là một khu phức hợp công viên ven biển Phan Rang bao gồm công viên nước, hệ thống bể bơi ngoài trời, hệ thống trung tâm thương mại 5 tầng cung cấp các dịch vụ, mua sắm,…
Một xu hướng nổi bật khác là sự quan tâm của các chủ đầu tư với loại hình khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe (wellness resort). Đây là một loại hình mới và còn rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam, khi dân số trung lưu tại Việt Nam được dự đoán tăng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á trong vòng năm năm tới, và khách du lịch từ các quốc gia Bắc Á đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có sự kết hợp giữa du lịch và phục hồi sức khỏe.
Một trong những sản phẩm wellness resort vừa được ra mắt trên thị trường là thiệu L’Alyana Senses World do Phú Long làm nhà phát triển và Sài gòn Sovico Phú làm chủ đầu tư. Bên cạnh những hoạt động giải trí như công viên nước thiên nhiên, công viên rừng nguyên sinh, câu lạc bộ thuyền buồm, dịch vụ dưỡng sinh bên bờ biển, các hoạt động giải trí biển … L’Alyana Senses World còn tiên phong phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe - wellness tourism để mang đến cho khách hàng một trải nghiệm cao cấp, giải phóng tinh thần, thanh lọc cơ thể, tái tạo năng lượng và khơi nguồn sức sống mới.
Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng đổi mới, tạo trải nghiệm trong thiết kế các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng sẽ được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Nghiên cứu về các nhóm khách du lịch chỉ ra rằng phân khúc và mục đích du lịch khác nhau của các nhóm khách ảnh hưởng rất nhiều đến mô hình nghỉ dưỡng mà họ lựa chọn, do đó các chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ về tệp khách hàng mục tiêu khi đưa ra các quyết định về thiết kế.
Trước thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay, TS. Nguyễn Trùng Khánh đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp BĐS trong năm 2020 cần có ý tưởng riêng biệt về sản phẩm của dự án gắn chặt với đặc điểm tài nguyên du lịch, sáng tạo và mạnh dạn chuyển hướng, chủ động khai phá những điểm đến mới có những giá trị tài nguyên đặc sắc cho đến nay vẫn chưa khai thác. Đối với những trung tâm du lịch lớn cần làm mới sản phẩm bằng những dự án tầm cỡ quốc tế, những khu phức hợp đa chức năng, tiện ích thông minh kết hợp tốt giữa thụ hưởng du lịch với nhiều dạng nhu cầu của cuộc sống.
Đối với nhà đầu tư thứ cấp cần nhận diện được giá trị vô hình của sản phẩm bất động sản gắn liền với giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc của điểm đến để đầu tư vào nhiều loại hình lưu trú khác nhau kết chuỗi theo tuyến hành trình của dòng khách du lịch. Lựa chọn và đồng hành cùng chủ đầu tư dự án có đủ độ tin cậy, có ý tưởng, tầm nhìn và có thương hiệu đẳng cấp cao; dự án có tính khả thi cao và chủ đầu tư có tiềm lực tài chính và lực lượng nhân lực chuyên nghiệp.