Bất động sản “bất động” vì cán bộ thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu?

(Dân trí) - Nhiều dự án bất động sản phải “đắp chiếu” do hệ thống pháp luật còn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo dẫn đến cơ chế “xin – cho”, tiêu cực.

“Khốn khổ” vì rà soát, thanh tra

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan cũng như UBND TPHCM về việc khẩn trương giải quyết những ách tắc lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Theo HoREA, hiệp hội này và các doanh nghiệp bất động sản đang rất lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc hoặc không được cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời. Điều này làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung – cầu sẽ dẫn đến việc tăng giá bất động sản.

du an bat dong san 1.jpg
Hàng loạt dự án bất động sản tại TPHCM đang “bất động” do vướng đủ thứ thủ tục cộng với việc một bộ phận cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu.

Nguồn cung bất động sản sụt giảm cũng khiến cho cơ hội sở hữu nhà của người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị bị giảm đi. Doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Ngoài ra, môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do đã có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố). Nguồn thu ngân sách Nhà nước từ bất động sản bị sụt giảm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, không được xem xét giải quyết kịp thời là do hệ thống pháp luật vẫn còn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo dẫn đến cơ chế “xin – cho”, tiêu cực.

“Còn nguyên nhân chủ quan chính là công tác thực thi pháp luật còn rất nhiều hạn chế, kém hiệu lực, hiệu quả và cũng còn một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết, nhũng nhiễu và hành doanh nghiệp”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, Hiệp hội Bất động sản kiến nghị UBND TPHCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hơn 100 dự án bị “đóng băng” chờ rà soát, thanh tra nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công. Bởi, nếu quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh.

Ngoài ra, quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho người mua nhà, bất lợi cho thị trường bất động sản và làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước. Cụ thể, nguồn thu ngân sách của TPHCM đối với tiền sử dụng đất năm 2018 giảm 22,5% và hai tháng đầu năm 2019 giảm đến 49% so với cùng kỳ năm trước.

du an bat dong san 2.jpg
Nhiều dự án phải “đắp chiếu” trong thời gian dài.

Phải “tháo gỡ” ra sao?

Hiệp hội Bất động sản TPHCM kiến nghị thực hiện nhanh công tác rà soát, thanh tra hơn 100 dự án và có kết luận, hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án. Kiến nghị khẩn trương phân loại hơn 100 dự án đang bị rà soát, thanh tra thành 3 loại để có phương án xử lý phù hợp.

Cụ thể, nhóm 1 bao gồm các dự án về cơ bản thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì giải tỏa ngay để doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án thực hiện.

Nhóm 2 bao gồm các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước ở mức độ không lớn thì yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với Nhà nước, không để thất thoát tài sản công.

Nhóm 3 bao gồm các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì tách riêng để xử lý theo quy định pháp luật.

HoREA kiến nghị cho phép các chủ đầu tư hơn 100 dự án đang bị rà soát, thanh tra được tiếp tục giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính như: chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch; xác định tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh ranh hoặc mục tiêu dự án theo quy định; cấp phép xây dựng dự án; cấp “sổ đỏ” cho dự án…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA chia sẻ, hiệp hội mong UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tiếp tục khẩn trương thực hiện công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản. Cần sớm có cơ chế để giải quyết vướng mắc về tính tiền sử dụng đất đối với quỹ đất công (thường chiếm khoảng 10% diện tích dự án).

“Hiện nay, công tác tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản tại TPHCM gần như bị ngưng trệ, nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm vẫn chưa được giải quyết. Sở Tài nguyên Môi trường gần như không nhận hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất của doanh nghiệp”, ông Châu nói.

du an bat dong san 3.jpg
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM

Cũng theo ông Châu, đối với hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất đã được nhận thì bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình lên được Hội đồng thẩm định giá đất. Nguyên nhân là do cán bộ, công chức có thái độ thụ động, sợ trách nhiệm, không dám đề xuất chính kiến.

Ngoài ra, thành phố cũng chưa xây dựng được “khung cơ chế” về công thức tính giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố để cán bộ, công chức yên tâm thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án.

“Một dự án ở quận 5 đã bị xác định tiền sử dụng đất đến 3 lần với mức giá lần sau cao hơn lần trước. Trong cả 3 lần, chủ đầu tư đều đã đồng ý nộp tiền nhưng đã 2 năm nay vẫn chưa được nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách để triển khai dự án”, ông Châu ngán ngẩm.

Đại Việt 

bannerchan-bai.gif