Bất chấp khủng hoảng vì đại dịch, bất động sản vùng ven vẫn "tăng nhiệt"

(Dân trí) - Mặc dù khối lượng giao dịch giảm mạnh trong quý 1/2020, tuy nhiên đất nền tỉnh lẻ, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vùng ven vẫn là “điểm sáng” của thị trường.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường BĐS Việt Nam tạm thời rơi vào tình trạng suy yếu trong quý 1/2020. Đặc biệt, 2 thị trường lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM sụt giảm mạnh về khối lượng giao dịch, khiến cho thanh khoản thị trường xuống thấp.

Tuy nhiên, bất chấp khó khăn chung của thị trường, phân khúc đất nền tỉnh lẻ và BĐS nghỉ dưỡng vùng ven vẫn có chút khởi sắc.

Khảo sát tại một số sàn giao dịch BĐS cho thấy, phân khúc đất nền vùng ven tại Lương Sơn (Hòa Bình); Mỹ Hào, Văn Giang (Hưng Yên); một số nơi tại Bắc Ninh, Quảng Ninh,... hoặc Dĩ An (Bình Dương), Cần Giuộc (Long An),.... vẫn đang “sốt nhẹ”, giá trị tăng khoảng 3 - 5% so với cuối năm 2019.

Bất chấp khủng hoảng vì đại dịch, bất động sản vùng ven vẫn tăng nhiệt - 1

Bất chấp khó khăn chung của thị trường, phân khúc đất nền tỉnh lẻ hoặc BĐS nghỉ dưỡng vùng ven vẫn có chút khởi sắc.

Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Đỗ Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ID Green thừa nhận, trong quý 1/2020, dịch bệnh không ảnh hưởng quá nhiều tới phân khúc đất nền tỉnh lẻ và BĐS nghỉ dưỡng vùng ven. Thậm chí, đại dịch Covid-19 còn kích thích phân khúc này tăng trưởng.

Ông Cương phân tích, về dài hạn, đất nền tỉnh lẻ và BĐS nghỉ dưỡng vùng ven vẫn có rất nhiều tiềm năng để phát triển với 4 yếu tố hỗ trợ.

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối giữa các đô thị lớn với vùng ven ngày càng được hoàn thiện.

Bất chấp khủng hoảng vì đại dịch, bất động sản vùng ven vẫn tăng nhiệt - 2

Xu hướng “Tối ở nông thôn, sáng đi ô tô vào thành phố làm việc” đang được rất nhiều gia đình trẻ hưởng ứng.

Thứ hai, do các đô thị lớn đang thiếu quỹ đất, nên nhiều “ông lớn” trong ngành BĐS đã có sự chuyển dịch đầu tư sang vùng ven. Có thể thấy, các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh,... đều xuất hiện các dự án nghìn tỷ đã và đang được hoàn thiện.

Thứ ba, xét dưới góc độ đầu tư, giá trị đất tại vùng ven dễ chịu hơn rất nhiều so với các dự án trong trung tâm thành phố, tạo điều kiện cho nhà đầu tư vốn mỏng tham gia thị trường.

"Đơn cử như ở Hòa Bình, nhà đầu tư chỉ cần 500 triệu đồng để tham gia thị trường. Trong khi đầu tư trong trung tâm thành phố, số tiền phải bỏ ra phải lên tới hàng tỷ đồng", ông Cương dẫn chứng. 

Cuối cùng, theo chuyên gia này, hiện nay quan điểm "sống" của người dân cũng đang thay đổi. Trong đó, xu hướng “Tối ở nông thôn, sáng đi ô tô vào thành phố làm việc” đang được rất nhiều gia đình trẻ hưởng ứng.

“Hiện nay, các hộ gia đình trẻ chủ yếu sống trong chung cư với không gian chật chội, không khí ô nhiễm. Hơn thế, thu nhập của một bộ phận người dân được nâng cao và họ muốn tìm đến một môi trường sống tốt hơn cho bản thân và gia đình, nên BĐS vùng ven vẫn tiếp tục thu hút người dân chuyển tới sinh sống”, ông Cương nói.

Bất chấp khủng hoảng vì đại dịch, bất động sản vùng ven vẫn tăng nhiệt - 3

Nhiều hộ gia đình hiện này muốn tìm một môi trường sống tốt hòa mình với thiên nhiên thay vì chen chúc trong các khu đô thị chật chội. Trong ảnh là không gian sống xanh tại Khu đô thị Ecopark.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, đất nền tỉnh lẻ hay BĐS vùng ven vẫn luôn có sức hút đối với nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, nguồn cung đang sụt giảm do vướng mắc tới vấn đề pháp lý, cũng như ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong thời gian tới, phân khúc này chắc chắn sẽ "bùng nổ".

Theo tư vấn của nhiều chuyên gia BĐS, trước khi quyết định tham gia vào phân khúc này, nhà đầu tư bắt buộc phải tìm hiểu quy hoạch và xem xét kỹ pháp lý khu vực đất định mua. Cụ thể, một số giấy tờ nhất định phải có là sổ đỏ gốc, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng phải được xác nhận tại văn phòng công chứng, quy hoạch chung của khu vực,...

Đặc biệt, nhà đầu tư tuyệt đối không đầu tư vào đất rừng, đất lâm trường, nông trường vì rủi ro rất lớn.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Như Cương chia sẻ, nhà đầu tư không nên rót tiền theo phong trào, hoặc tham gia vào các cơn sốt đất ảo. Bởi vì, các khu vực đầu tư theo phong trào rất dễ gặp tình trạng “cò” đất làm giá.

“Để xác định xem khu đất định mua có bị “cò” đất làm giá hay không, nhà đầu tư có thể khảo sát giá trong 1 năm. Nếu mức chênh lệch quá cao, vài chục phần trăm thì lên tránh. Còn nếu giá đất dao động vài phần trăm thì có thể đầu tư vào”, ông Cương nói.

Ngoài ra, trước khi rót tiền, nhà đầu tư nên cân nhắc khả năng tài chính và tìm tới các sản phẩm vừa tầm. Không nên tham gia các sản phẩm quá cao so với tài chính mà mình đang có.

Việt Vũ