Bảo tồn thiên nhiên ngay trong lòng phố
(Dân trí) - Một trong những yếu tố cốt lõi của quy hoạch đô thị là môi trường bền vững, những nhà phát triển đô thị cần phải có cách tiếp cận khác với các vấn đề môi trường mới có thể triển khai dự án một cách hài hòa với môi sinh.
Tiến trình đô thị hóa sẽ dẫn đến sự hủy hoại môi trường tự nhiên, khi cây xanh, cảnh vật thiên nhiên phải nhường chỗ cho các công trình dân dụng, cao ốc nhà ở, đường sá. Các thành phố, dự án dân cư mọc lên càng nhiều thì diện tích hệ sinh thái tự nhiên càng thu hẹp lại, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng tăng lên bởi các hoạt động san lấp, xây dựng công trình xâm lấn mạnh mẽ vào nền mống, cấu trúc vùng đất. Đó là cách làm truyền thống xưa nay và dẫn đến hệ lụy là, khi đô thị hóa càng nhiều thì chất lượng môi trường sống của dân cư càng kém đi.
Bảo tồn thiên nhiên ngay trong lòng phố, bài toán cần tính tới cho việc phát triển đô thị tại Việt Nam
Mảng xanh tại các đô thị lớn ở Việt Nam đang ngày càng bị thu hẹp dưới sức ép của quá trình phát triển ồ ạt các dự án. Tính đến hết tháng 6/2021, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 40,4% (tăng 1,1 điểm % so với cùng kỳ năm 2020). Điều này không may lại đi kèm với sự suy giảm nhanh chóng của diện tích cây xanh mặt nước. Hiện, tỷ lệ cây xanh trên đầu người tại các thành phố lớn của nước ta chỉ ở mức 2-3 m2/người, bằng 1/5 đến 1/10 so với thế giới.
Phương thức phát triển đô thị tại Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn đi theo hướng "giải tỏa trắng" môi trường. Nghĩa là nhà đầu tư sẽ san lấp phẳng mặt bằng, rồi xây dựng lên đó những công trình và các mảng xanh nhân tạo. Không ít khu đô thị được bàn giao cho cư dân với toàn cây xanh trụi lá, do vừa được di chuyển từ nơi khác về trồng.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ còn tăng tỷ lệ đô thị hóa lên khoảng 45% vào năm 2030 và đạt trên 50% vào năm 2030. Nếu không có những biện pháp hữu hiệu trong quản lý và quy hoạch xây dựng, quá trình đô thị hóa nhanh sẽ gây ra những vấn đề lớn về môi trường sống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Làm thế nào để bảo tồn môi trường tự nhiên trong quá trình phát triển đô thị là bài toán "khó nhằn" mà các nhà phát triển bất động sản cần phải tính đến nếu muốn đảm bảo sự phát triển bền vững cho dự án của mình nói riêng và thành phố nói chung.
Giải pháp "rừng trong phố" độc đáo của người Malaysia
Những năm gần đây, các nước phát triển đã đề cao ý thức về vấn đề này, và quan tâm sâu sát, thực hiện những cách thức khác nhau nhằm duy trì môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Một số quốc gia ban hành các đạo luật riêng về quản lý, bảo vệ cảnh quan như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Số khác thì quy định về quản lý, bảo vệ cảnh quan trong các đạo luật liên quan như Nga, Anh. Ngoài ra, nội dung bảo vệ cảnh quan thiên nhiên cũng được đề cập trong các công ước, hướng dẫn như Công ước Cảnh quan châu Âu, hướng dẫn của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)…
Tại khu vực Đông Nam Á thì Malaysia là một trong những quốc gia có thành tích tốt nhất trong việc bảo tồn thiên nhiên. Điều đó không chỉ thể hiện qua những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh hay các khu bảo tồn được quy hoạch dọc khắp, mà đất nước này còn đặc biệt gây ấn tượng với những khu "rừng trong phố".
Khi đặt chân đến các thành phố của Malaysia, ta sẽ thấy điểm đặc trưng ấn tượng là một màu xanh mướt mát ôm trọn lấy những cung đường và len lỏi quanh các tòa nhà, góc phố. Gọi là "rừng" vì đó là những hệ sinh thái hoàn chỉnh phong phú chủng loại động thực vật, chứ không chỉ là vài hàng cây kiểng cùng ghế đá công viên. Để làm được điều đó, bên cạnh chủ trương quy hoạch táo bạo của chính phủ Malaysia, còn phải kể đến công sức, sự đóng góp của các nhà phát triển đô thị nước này.
Một minh chứng sống động chính là khu đô thị Gamuda Gardens tại vùng ngoại ô Sungai Buloh của thủ đô Kuala Lumpur. Đây là khu đô thị rộng 810 mẫu Anh (gần 328 ha), trải rộng trên địa hình tự nhiên gập ghềnh với những ngọn đồi nhấp nhô và hệ thống 5 hồ nước lớn.
Địa hình này thật sự là một thử thách trong phát triển đô thị, nhưng những nhà kiến tạo dự án đã khéo léo tạo nên những khối nhà nằm ẩn mình giữa tự nhiên. Không tìm cách san bằng các ngọn đồi, các kiến trúc sư quy hoạch đã tận dụng địa thế nhấp nhô để tạo nên một khu đô thị xếp tầng độc đáo.
Các kiến trúc sư cũng cố gắng bảo tồn hệ thống thoát nước tự nhiên, bằng cách kết nối hệ thống 5 hồ lớn trong khu đô thị lại với nhau thông qua hệ thống các con suối và thác nước. Đặc biệt, nhà phát triển dự án còn tiến hành khôi phục một khu rừng nguyên sinh từ hiện trạng là rừng cao su, nhằm trả lại đất đai cho tự nhiên. Vùng đất ngập nước cũng được giữ nguyên và trồng thêm các loại cây bản địa để mang lại sự đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên phong phú đã có trước đây.
Bằng cách đó, Gamuda Gardens cũng tạo được nhiều sản phẩm bất động sản khác nhau cho khách hàng lựa chọn từ nhà trên sườn đồi, làng ven sông hay những ngôi nhà ven hồ. Đi kèm là hệ thống tiện ích hiện đại, không thua kém bất kỳ khu đô thị ngay giữa trung tâm thành phố nào, như hệ thống công viên, nổi bật là công viên trung tâm rộng 50 ha; trường quốc tế đa cấp; bãi cắm trại; trung tâm thương mại; khu phức hợp thể thao và nghỉ dưỡng…
Chủ đầu tư của Gamuda Gardens là Gamuda Land, nhánh phát triển bất động sản thuộc Gamuda Berhad - tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, kĩ thuật và phát triển hạ tầng tại Malaysia. Được thành lập vào năm 1995, chỉ trong vòng hơn 2 thập kỷ, Gamuda Land đã trở thành một tên tuổi nổi tiếng của ngành bất động sản Đông Nam Á với các dự án đô thị xanh danh tiếng trải rộng khắp Malaysia, Singapore, Việt Nam… và thậm chí đã vươn đến Australia.
Gamuda Land chính là tác giả của kỳ tích biến vùng "rốn nước" Yên Sở từ một đầm trũng quanh năm ô nhiễm và hoang hóa phía Nam Hà Nội thành khu đô thị sinh thái Gamuda City nổi bật hàng đầu thủ đô. Cũng với phương thức phát triển độc đáo ấy, khi Nam tiến nhà kiến tạo đô thị đến từ Malaysia đã thành công biến vùng đồng không mông quạnh phía Tây Sài Gòn thuộc phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú thành khu đô thị đẳng cấp quốc tế Celadon City - một trong những "lá phổi xanh" của TPHCM hiện nay.